Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Những nhận định hồ đồ



Gần đây, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã được sự chú ý và đồng tình của dư luận tiến bộ trên thế giới. Nhưng, các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã đưa ra một số ý kiến cố tình hạ thấp ý nghĩa sự kiện, tiếp tục xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, và đáng tiếc trong đó có ý kiến của ông Scott Busby - quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách về dân chủ, nhân quyền và lao động... 
Nếu coi thái độ lươn lẹo và bất chấp sự thật của một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng vấn đề nhân quyền để vu cáo, xuyên tạc, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam thì phải khẳng định diễn biến các động thái mà họ thực hiện trước và sau khi Việt Nam trở thành thành viên mới của Hội đồng nhân quyền LHQ (UNHRC) là bằng chứng điển hình. Trước ngày LHQ tiến hành bỏ phiếu kín để bầu thành viên mới của UNHRC, họ đã phối hợp với nhau để đồng loạt đưa ra đủ loại tuyên bố, thư từ, kiến nghị,... gửi tới một số địa chỉ nhằm một mặt xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, mặt khác tìm mọi cách tác động để cản trở Việt Nam trở thành thành viên của UNHRC. Mấy cơ quan truyền thông như VOA, BBC, RFA, RFI cũng tỏ ra xăng xái trong các hoạt động này, điển hình là bài viết đăng trên VOA với nhan đề Việt Nam vận động để chiếm một ghế tại Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (!). Khi viết như thế, VOA sẽ nghĩ sao khi chính Hoa Kỳ đang là thành viên UNHRC, chẳng nhẽ đó cũng là hành động "chiếm một ghế"!? Ở trong nước, người gần đây được mấy cơ quan truyền thông nước ngoài tán dương là "bình luận gia" còn sử dụng năng lực "thầy bói xem voi" để bịa ra "ba kịch bản" khi bầu Việt Nam vào UNHRC, theo người này thì không có "kịch bản" nào là sáng sủa. Thế rồi, sau khi kết quả bầu cử của UNHRC được công bố, đối mặt với sự thật bẽ bàng, tất cả vội đồng loạt tỏ thái độ "bất bình", hoặc "ngậm bồ hòn làm ngọt". Riêng "bình luận gia" hôm trước vừa hùng hồn "dự đoán" nay phải mượn lời của một nhân vật phiếm chỉ để hạ thấp ý nghĩa của sự kiện: "Tui chẳng biết hội đồng nhân quyền là cái gì"! Nhưng rồi họ lại tỏ ra hỉ hả khi thấy bà Peggy Hicks, Giám đốc pháp lý toàn cầu của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đưa ra yêu sách hết sức vô lý đòi Hội đồng Nhân quyền "phải giải thích rõ ràng" (!); rồi nữa là ngày 25-11, trả lời phỏng vấn của RFA, ông Scott Busby - quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, lại đưa ra một số ý kiến theo luận điệu của họ.
Trước hết cần nói rằng, bài trả lời phỏng vấn trên RFA của ông Scott Busby được thực hiện trong một cuộc tiếp xúc báo chí rất không bình thường sau chuyến đi của ông tới Việt Nam. Như nguoi-viet.com cho biết, thì cuộc tiếp xúc tổ chức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ theo lời mời của bà Laura Scheibe - viên chức Văn phòng đặc trách dân chủ, nhân quyền, lao động vùng châu Á - Thái Bình Dương; với sự có mặt của đại diện một số cơ quan truyền thông vốn luôn là diễn dàn của thế lực thù địch với nhà nước Việt Nam, như RFA, SBTN và các cái gọi "Ðài phát thanh tập hợp vì nền dân chủ, tuần báo "Phố Nhỏ"... Trước một cử tọa như thế, không rõ ông Scott Busby đã nói những điều nhân danh chính quyền Hoa Kỳ hay chỉ là suy nghĩ của cá nhân ông? Nhưng, dù là nhân danh hay ý kiến riêng thì phát ngôn của ông đã phản ánh không trung thực (nếu không nói xuyên tạc) vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ do Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ký ngày 25.7.2013, trong đó: "hai nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và những lợi ích chung... Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".
Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Scott Busby trình bày ba mục đích chuyến đi của ông tới Việt Nam. Ông đã nói không úp mở rằng: "Mục đích thứ ba trong chuyến đi của tôi là để nói chuyện trực tiếp với các nhóm xã hội dân sự, các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam muốn cho họ biết sự ủng hộ của chúng tôi đối với họ, và muốn biết cách mà chúng tôi có thể giúp họ là như thế nào"!? Không rõ sau khi nói chuyện, ông Scott Busby lĩnh hội được những gì mà ông đi tới nhận định: "rõ ràng là vẫn còn những vấn đề lớn về nhân quyền đang tồn tại ở Việt Nam, người dân vẫn chưa có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, người ta vẫn chưa hoàn toàn được quyền tự do tụ tập hay lập hội, cũng như chưa hoàn toàn được tự do thờ phụng"!? Nhận định của ông vừa vô lý, vừa trái khoáy vì không lẽ ông không biết trước đó chỉ mấy ngày, 184 quốc gia trên tổng số 192 thành viên của Liên hợp quốc tham gia bỏ phiếu đã bầu Việt Nam vào UNHRC? Và người đọc không khỏi hồ nghi để đặt câu hỏi: Chẳng nhẽ 184 quốc gia lại không sáng suốt bằng ông Scott Busby sau khi có mặt ở Việt Nam chỉ bốn ngày? Dù giữ bí mật cho những người ông đã gặp "để bảo vệ sự hoạt động của họ", nhưng căn cứ vào điều ông tiết lộ: "những người tôi gặp gỡ là những luật sư, những người đại diện cho những nhân vật bị sách nhiễu, bị truy tố về những tội danh khác nhau chẳng hạn như lật đổ chính quyền, sử dụng internet, facebook, blog... ngoài ra, tôi cũng gặp các nhà lãnh đạo tôn giáo". Qua đây, có thể biết, ông Scott Busby đã gặp gỡ ai và cần khẳng định gặp những người như vậy, ông ta sẽ không bao giờ có được cái nhìn khách quan về thực trạng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, càng không thể hiện được thiện chí (nếu ông thực sự có thiện chí) muốn cùng Việt Nam hoàn thiện và phát triển nhân quyền.
Gần đây, giới thiệu cuốn sách Món hàng xuất cảng làm chết người nhất của Mỹ: dân chủ (America's deadliest export: democracy) của W.Blum xuất bản năm 2013, trong rất nhiều trích dẫn về việc Hoa Kỳ sử dụng nhân quyền như một chiêu bài, có một trích dẫn làm người ta phải kinh ngạc, đó là tổng kết của W.Blum về các hành động của Hoa Kỳ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, gồm: "Nỗ lực lật đổ hơn 50 chính quyền ngoại bang, hầu hết đã được bầu một cách dân chủ; Can thiệp thô bạo vào sự bầu cử dân chủ của ít nhất là 30 quốc gia; Toan tính ám sát hơn 50 người lãnh đạo ngoại quốc; Thả bom trên dân chúng trong hơn 30 quốc gia; Toan tính dẹp một phong trào quần chúng hay quốc gia trong 20 nước". Sau nhiều dẫn dụ và phân tích, tác giả người Mỹ gốc Việt nói trên viết: "Về nhân quyền thì tin Việt Nam nay chính thức là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ chắc chắn là làm cho quý vị không vui, vì tin đó như một cái tát vào mặt quý vị và các tổ chức, cá nhân chuyên trơ trẽn xía vào những chuyện nội bộ nhỏ nhặt ở Việt Nam, rêu rao vấn đề nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ, đặc biệt là Phil Robertson của tổ chức HRW. Những lời quý vị lên án một cách thiển cận Việt Nam vi phạm nhân quyền đã trở nên lạc lõng, lố bịch và vô giá trị. Kết quả 184/192 quốc gia bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ chứng tỏ thế giới đã nhận định là ở Việt Nam không có vấn đề nhân quyền như là chính sách của Nhà nước. Nhưng quý vị không chịu mở mắt ra để nhìn vào thực tế". Tác giả viết tiếp: "Mỹ, hay các cá nhân Mỹ, bất kể họ là thượng nghị sĩ hay dân biểu, hay những tổ chức của Mỹ như HRW, AI, đều không có tư cách để nói về nhân quyền ở Việt Nam".
Ngày 17-11, nhân việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, trả lời phỏng vấn của Việt Weekly - cơ quan báo chí của người Mỹ gốc Việt, ông Lê Hoài Trung - Ðại sứ Ðại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ nói: "Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia. Tại Việt Nam, hiện có trên 100 cơ quan đại diện ngoại giao, văn phòng của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Ðó là chưa kể tới trên 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó nhiều tổ chức đã mở văn phòng ở Việt Nam. Vì vậy, họ theo dõi rất sát tình hình trên các mặt ở Việt Nam. Họ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện đổi mới với những nội dung quan trọng nhằm tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát huy quyền tự do, dân chủ của người dân... Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của cộng đồng quốc tế được các quốc gia thành viên LHQ cùng nhất trí trong Tuyên bố của Hội nghị thế giới về quyền con người tổ chức ở Viên, Áo năm 1993 rằng, quyền con người là giá trị phổ quát, đồng thời cũng cần tính đến những đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi khu vực và những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, tôn giáo khác nhau. Lấy thí dụ, với các lý do đặc điểm trong thể chế của mình nên tới nay Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và chưa trở thành thành viên của Công ước về quyền trẻ em. Nhưng Việt Nam lại là thành viên của cả hai công ước đó...". Và ông nhấn mạnh: "điều đáng tiếc là có một số tổ chức / cá nhân muốn áp đặt cách nhìn của mình, hoặc vì những ý đồ xấu nên đã đưa thông tin sai lệch, kể cả vu cáo về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Việt Nam bác bỏ những thông tin, vu cáo đó. Ðiều đáng nói ở đây là những việc làm của họ đi ngược lại với lợi ích của nhân dân Việt Nam và những nỗ lực thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam". Thiết nghĩ, ông Scott Busby nên tham khảo ý kiến trên đây để khách quan đánh giá.
VŨ HỢP LÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét