Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong phòng, chống AIDS

Đánh giá về kết quả của những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong năm 2013, Tiến sĩ Kristan Schoultz – Giám đốc Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho rằng, Việt Nam đã đưa ra được nhiều chiến lược hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu trong công tác này.
Tiến sĩ Kristan Schoultz. Ảnh Thuỳ Chi

Theo Tiến sĩ Kristan Schoultz, một số kết quả nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong năm qua là việc Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng pháp lệnh và ban hành loạt nghị định hướng dẫn thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, việc Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 – 2020” sẽ đa dạng hoá các nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV, bao gồm cả giải pháp bền vững, lâu dài.
Việc mở rộng các trung tâm điều trị nghiện tự nguyện tại cộng đồng, bao gồm điều trị Methadone nhằm giảm số lượng các trung tâm cai nghiện bắt buộc cũng là những nỗ lực lớn của Việt Nam trong công tác này.
Ngoài ra, việc Việt Nam có thể tự sản xuất Methadone trong nước với giá thành rẻ hơn nhập khẩu sẽ giúp cho Việt Nam dễ dàng đạt được chỉ tiêu quốc gia đã đề ra, đến năm 2015 sẽ điều trị Methadone cho 80.000 người nghiện trên toàn quốc.
Trong năm qua, Việt Nam đã mở rộng được chương trình điều trị ARV trên cơ sở các nghiên cứu khoa học mới về lợi ích dự phòng lây nhiễm HIV của việc điều trị sớm. Hiện Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng kế hoạch đến 2015 sẽ tiếp cận bền vững nguồn thuốc ARV có chất lượng với giá cả hợp lý.
Mở rộng các chương trình can thiệp hiệu quả
Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên Tiến sĩ Kristan Schoultz cho rằng, Việt Nam cần phát huy nhiều nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt mục tiêu thiên niên kỷ số 6 về phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, trong năm 2014, Việt Nam nên tập trung vào việc nhanh chóng mở rộng các chương trình can thiệp đã mang lại hiệu quả cao về dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị.
Cụ thể, Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đó là những người tiêm chích ma tuý, người mại dâm, khách mua dâm và nhóm nam tình dục đồng giới. Thực tế cho thấy, việc sử dụng chung bơm kim tiêm trong nhóm người nghiện chích ma tuý là đường lây nhiễm HIV chính ở Việt Nam, bên cạnh đó tỷ lệ hiện nhiễm HIV hiện đang gia trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Vì vậy, nếu muốn khống chế sự bùng phát của dịch HIV, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhóm có nguy cơ cao và dễ tổn thương được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ phòng, chống HIV. Đồng thời đảm bảo các dịch vụ điều trị cho người nghiện ma tuý theo các quy chuẩn quốc tế.
Việc tập trung mở rộng các chương trình can thiệp hiệu quả cũng sẽ quyết định các vấn đề về phân bổ nguồn lực. Bằng cách lựa chọn, tính toán để đồng vốn đầu tư đem lại hiệu quả nhiều hơn cho công cuộc phòng, chống HIV, Tiến sĩ Kristan Schoultz cho rằng, không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực đang có sẵn, mà còn cần đảm bảo rằng ứng phó quốc gia phòng, chống HIV đạt được hiệu quả tối ưu.
Thực tế cho thấy, các dịch vụ phòng, chống HIV đứng riêng rẽ thì các chi phí sẽ cao hơn, không mang lại sự thuận tiện, thuận lợi cho khách hàng và sẽ khó đảm bảo tính bền vững khi không còn các nguồn tài trợ nước ngoài. Việc lồng ghép các dịch vụ HIV vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tình dục, sức khoẻ sinh sản vào các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em, vào hệ thống y tế công nói chung sẽ giúp tăng cường các dịch vụ phòng, chống HIV tới gần người dân hơn và mang lại hiệu quả lâu dài hơn.
Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nên việc khảo sát mọi khả năng nhằm đa dạng hoá các nguồn tài chính và đặc biệt gia tăng đầu tư của quốc gia cho công tác phòng, chống HIV là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc chia sẻ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương sẽ giúp Việt Nam duy trì hiệu quả hỗ trợ của các nhà tài trợ cho Việt Nam.
Tiến sĩ Kristan Schoultz tin tưởng rằng, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm và sẽ đưa ra được nhiều hoạt động cần thiết để hướng tới hoàn thành tốt Mục tiêu thiên niên kỷ và các mục tiêu quốc gia trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
“Các tổ chức quốc tế chúng tôi khẳng định sẽ luôn ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu”, Tiến sĩ Kristan Schoultz nói.

Thuỳ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét