Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Về cái gọi là “cuộc cách mạng lý luận”



Luận điệu và mưu đồ không mới
QĐND - Gần đây, một số người đã nhân danh “cấp tiến” đề xuất biện pháp nhằm “thay máu cho hệ tư tưởng”, “phục sinh chủ nghĩa dân tộc” và “sửa lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho hợp thời và sát với thực tế Việt Nam...”.
Trong một số trang mạng gần đây, có người đã dẫn ra sự “hồi sinh” của các nước Đức, Nga sau khi “được giải thoát khỏi sự ràng buộc của Đảng Cộng sản và hệ tư tưởng XHCN”. Họ đã cố tình xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ý đồ của họ là thay thế hệ tư tưởng vô sản bằng hệ tư tưởng tư sản, “đón rước” chủ nghĩa tư bản vào nước ta và làm cho ý thức hệ tư sản đóng vai trò thống trị xã hội Việt Nam mới mà họ có công tạo dựng nên, và đương nhiên, họ sẽ được hưởng lợi từ việc làm ấy.
Vậy là, sự giáo đầu bằng "cuộc cách mạng lý luận" là mưu đồ để họ thực hiện cuộc cách mạng về chính trị: Lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận thành quả của cuộc cách mạng mà nhân dân ta bằng xương máu của mình, chiến đấu, hy sinh suốt nhiều thập kỷ mới giành lại được.
Cách mạng Tháng Mười - Cuộc cách mạng của nhân dân lao động. Nguồn: Internet
Điều hết sức nguy hiểm là các quan điểm sai trái này, bằng nhiều hình thức đã được tán phát, lan truyền rất nhanh trên internet, các sách, báo, đài phát thanh của các thế lực thù địch; phần nào đã và đang gieo rắc sự hoài nghi, bi quan cho một số người, để lại những hậu quả không thể xem thường trong xã hội ta. Bằng cách này, cách khác, họ muốn tạo nên sự “diễn biến bên trong” xã hội ta, trước hết là diễn biến về nhận thức, tư tưởng và từ đó dẫn đến “tự diễn biến” về những mặt khác.
Chúng ta không hề ngạc nhiên trước những quan điểm xét lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì những “điệp khúc” này đã được “tua đi tua lại” nhiều lần kể từ khi chủ nghĩa Mác ra đời cho đến nay. Vì sao họ lại chống chủ nghĩa Mác - Lê-nin một cách quyết liệt như vậy? Hẳn là họ ý thức rất rõ sức sống mãnh liệt cũng như ảnh hưởng sâu rộng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với sự tồn tại, phát triển và lợi ích của họ, nhất là khi chủ nghĩa Mác - Lê-nin trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Hẳn là họ hiểu rằng, chừng nào còn chủ nghĩa Mác - Lê-nin thì chừng ấy còn có Đảng Cộng sản, còn phong trào công nhân và cuộc đấu tranh của giai cấp. Sự tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là bất lợi cho họ, họ không thể “chịu đựng nổi” uy tín và vai trò ngày càng tăng của Đảng Cộng sản.
Xem xét ở một khía cạnh khác, chúng ta sẽ rõ hơn vấn đề nêu trên. Sau khi CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, một số người đã hí hửng cho rằng, “chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã cáo chung, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, theo đó cũng mất vai trò, tác dụng, chẳng còn ý nghĩa”. Họ khẳng định: Bắt tay làm ăn, hợp tác với các nước tư bản phát triển, gia nhập khối NATO là thời cơ, điều kiện tốt nhất để giảm “gánh nặng” chi phí quốc phòng, an ninh, nhờ đó mà tập trung vào xây dựng, làm cho đất nước giàu có, phồn vinh. Hơn nữa, sự hùng mạnh của quốc gia nhờ sự tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước lại có thêm sự bảo đảm chắc chắn từ nền quốc phòng, an ninh. Gần đây, trước sự kiện Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam, những người “cấp tiến” vội cho rằng, Việt Nam phải bắt tay ngay với Mỹ và tham gia khối NATO; theo họ, “đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho độc lập chủ quyền quốc gia và đó là thứ vũ khí lợi hại nhất để uy hiếp và răn đe các nước láng giềng, làm thui chột mưu đồ xâm chiếm của họ”...
Ngón đòn ác hiểm của một số người là phê phán, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế-xã hội. Làm điều này, họ muốn gây ra sự hoài nghi về tính đúng đắn, sáng tạo của lý luận khoa học Mác - Lê-nin, về sự lựa chọn đúng, sai con đường đi lên CNXH ở nước ta, đặt lại sự nghi vấn đối với cả Hồ Chí Minh. Theo cách này, họ hy vọng sẽ tạo ra một “khoảng trống” trong lòng xã hội ta, sẽ phân hóa các lực lượng “trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với Đảng. Từ đó, tập hợp những phần tử bất mãn với chế độ ta thành một lực lượng độc lập, tạo dựng ngọn cờ, khi đủ mạnh thì “ép” Đảng ta từ bỏ mục tiêu, con đường CNXH để thực hiện mưu đồ của họ là lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Họ đã cố tình quên đi những mâu thuẫn gay gắt vốn có trong lòng xã hội tư bản đương đại, làm ngơ trước sự bất công, phân biệt đối xử, phân cực giàu-nghèo; tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, gây chiến tranh xâm lược, tệ nạn xã hội, tàn phá môi trường do chủ nghĩa tư bản gây ra…
Sức sống của học thuyết Mác - Lê-nin
Nhận thức và vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác để kiên định mục tiêu, con đường đi lên CNXH, đưa sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đi đến thành công đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề mới. Điều đó đòi hỏi chúng ta không những phải biết bảo vệ quan điểm đúng đắn, phê phán các quan điểm sai trái, phản động, mà còn phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin nói riêng để tiếp tục làm sáng tỏ con đường đi lên CNXH ở nước ta, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Cương lĩnh năm 1991, (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra, hoàn thành các chỉ tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ chính trị cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lúc này là nhận thức đúng đắn bản chất khoa học, cách mạng; giá trị và ý nghĩa học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó, lý luận về hình thái kinh tế-xã hội là một vấn đề có tính chất nền tảng, nhờ nó mà quan niệm duy vật biện chứng về xã hội không còn là một giả thuyết, mà được chứng minh một cách khoa học và trở thành kim chỉ nam cho nhận thức, hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng thế giới.
Trong những học thuyết xã hội ngoài mác-xít mà các lý luận gia tư sản, các phần tử cơ hội, xét lại ra sức tán dương, chúng ta cần chú ý đến luận thuyết về “5 thời kỳ trưởng thành của xã hội” của nhà xã hội học Mỹ U.Rô-xtâu, cố vấn tâm lý của nhiều đời Tổng thống Mỹ, và luận thuyết về sự phát triển xã hội trải qua những làn sóng xác lập những nền văn minh của nhà tương lai học A.Tốp-lơ.
Dựa vào sự phát triển của công nghiệp, U.Rô-xtâu phân định lịch sử xã hội cho đến nay trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn trước công nghiệp (trước tư bản chủ nghĩa) là “xã hội cổ truyền”, được coi là “trung tâm của sự lạc hậu”; 4 giai đoạn tiếp theo là các nấc thang phát triển của công nghiệp, các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, tức là từ “trạng thái quá độ” với sự xuất hiện của các nhà kinh doanh công nghiệp qua giai đoạn “cao trào nhảy vọt”, giai đoạn “chín muồi công nghiệp” đến giai đoạn thứ 5 là “xã hội tiêu dùng rộng rãi” với “nhà nước phúc lợi chung”.
U.Rô-xtâu coi giai đoạn thứ 5 này là tổ chức xã hội lý tưởng (có ở Mỹ, Nhật và một số nước Tây Âu); nước Mỹ đang ở đỉnh cao của quá trình tiến hóa ấy, đợi các nước khác diễn lại cái quá khứ của nước Mỹ để cùng hòa vào “xã hội hậu công nghiệp” mà nước Mỹ là đại diện. Dựa vào tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, A.Tốp-lơ cho rằng, nhân loại đã và đang trải qua những làn sóng thay đổi vĩ đại, xác lập những nền văn minh diễn ra với nhịp độ ngày càng nhanh, quy mô ngày càng lớn. Làn sóng thứ nhất là cuộc cách mạng nông nghiệp của 10.000 năm trước đây, xác lập nền văn minh nông nghiệp. Làn sóng thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp, bắt đầu diễn ra cách đây 300 năm, xác lập nền văn minh công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là làn sóng thứ ba, sản sinh ra nền văn minh “hậu công nghiệp”...
Theo lô-gích đó, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn, mà bản thân giai cấp đó cũng dần dần “biến mất” cùng giai cấp tư sản, không còn đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội, “cách mạng XHCN” và “chuyên chính vô sản” chỉ là những khái niệm của một thời lầm lỗi thuộc về quá khứ... Do đó, không cần có học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện đại đã và đang ra sức phụ họa, tán dương những luận điểm trên đây, cho rằng toàn bộ học thuyết Mác - Lê-nin (từ lý luận về hình thái kinh tế-xã hội, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp, lý luận về nhà nước và CNXH, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và chuyên chính vô sản...) đã lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của thời đại.
Chúng ta không phủ nhận những yếu tố hợp lý trong các học thuyết xã hội ngoài mác-xít, nhất là về vai trò của khoa học và công nghệ hiện đại, về sự phát triển của lực lượng sản xuất, về đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí... Song, cần thấy rõ những khiếm khuyết và hạn chế cơ bản trong các học thuyết đó, nhất là việc né tránh giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất và các quan hệ xã hội, với vấn đề giải phóng con người, các vấn đề xã hội khác trong phạm vi mỗi quốc gia, dân tộc cũng như toàn nhân loại. 
Chúng ta thừa nhận có một số luận điểm cụ thể mà C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin khái quát về thời đại, hoặc dự báo về tương lai, nay không còn phù hợp. Đó là điều bình thường, đúng với quy luật khách quan của quá trình nhận thức. Không thể vì thế mà phủ nhận giá trị khoa học và ý nghĩa thời đại sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của các ông. Cũng không thể vì sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu mà suy diễn một cách thô thiển “mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của C.Mác sụp đổ”.
Không phải ngẫu nhiên mà thời báo Lốt An-giơ-lét (Mỹ), phát hành ngay sau sự kiện ngày 19-8-1991 đã nhận định: Tư tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác vẫn còn ghi dấu ấn không thể xóa bỏ trên lĩnh vực lý luận. Rất nhiều vấn đề chính trị học, xã hội học, kinh tế học của thế giới đương đại đều được phân tích bằng lăng kính của chủ nghĩa Mác, thậm chí còn được phân tích bằng những khái niệm mác-xít. Cựu Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn, trong cuốn sách Chớp lấy thời cơ-thách thức mới đối với Hoa Kỳ trong thế giới một siêu cường, cũng phải thừa nhận: Học thuyết Mác vẫn đang được hâm mộ trong các trường đại học ở Mỹ.
Hiểu cho đúng sự thật, tôn trọng sự thật thì phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, điều kiện, lực lượng và phương pháp giải phóng triệt để xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, bất công, tha hóa, đói nghèo dưới mọi hình thức.
NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét