Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

Về một cuộc phỏng vấn




Mới đây trên mạng Internet đăng tải cuộc phỏng vấn của “Người buôn gió” với Trịnh Xuân Thanh... Cuộc phỏng vấn diễn ra ở đâu và “Người buôn gió” đích thực là ai, thì người ta cũng không biết rõ. Nhưng ý đồ đưa cuộc phỏng vấn cùng những nội dung chứa đựng trong đó thì tương đối rõ. Đó là xuyên tạc rằng các phe phái chóp bu ĐCS đánh nhau mà Trịnh Xuân Thanh chỉ là vật tế thần, rằng những số liệu cùng tình trạng kinh doanh của Công ty do Trịnh Xuân Thanh đảm nhiệm trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam là khác xa với những kết luận của điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Đảng và Nhà nước; cuối cùng nhằm gây hoài nghi, mất lòng tin của nhân dân.
Ở đây, tôi chưa nói về những số liệu, về tình trạng làm ăn của Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC do Trịnh Xuân Thanh phụ trách trước đây cũng như tình trạng PVC vi phạm pháp luật hay không, việc đó cần trông chờ vào kết quả điều tra, thanh tra, kiểm tra khách quan của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Tôi quan tâm đến một số nhận định có tính triết lí, có tính quan điểm của những người trong cuộc phỏng vấn.
Bài phỏng vấn nêu lên một kết luận : “Chế độ này trên nó bảo thế nào dưới phải nghe thế, có thằng nào cãi đâu” và “Chế độ này làm cho con người ta hèn đi”. Phải thẳng thắn chỉ ra rằng đấy là luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, công kích chế độ xã hội ở nước ta hiện nay, họ làm như thể chế độ ta hiện nay là chế độ nô lệ, chế độ phát xít, phải vạch trần những luận điệu ngụy biện cho hành vi tham nhũng, cho hành vi làm trái quy định của nhà nước.
Tuy chúng ta còn nhiều việc phải làm để tăng cường sinh hoạt dân chủ trong xã hội hơn nữa, để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức thậm chí mất dân chủ ở một số nơi, nhưng không thể không nói rằng từ ngày đổi mới đất nước đến nay thì chính việc mở rộng dân chủ trong xã hội ta đã là một thực chất của công cuộc đổi mới về chính trị cùng với đổi mới về kinh tế. Nhiều chủ trương, nhiều chính sách, nhiều luật pháp đã được công bố công khai để lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt nêu cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Sinh hoạt quốc hội là một tiêu biểu cho sinh hoạt dân chủ của xã hội ta. Mấy năm nay chúng ta cũng phê phán nhiều và đòi hỏi sửa chữa tình trạng thiếu trách nhiệm, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ trong việc điều tra, xét xử dẫn đến oan sai một số vụ án. Không thể kích động rằng chế độ ta làm cho con người hèn đi, trái lại cần nêu bật rằng bản chất chế độ ta là chế độ dân chủ - như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng chế độ ta là chế độ phát huy và nâng cao quyền và trách nhiệm làm chủ của nhân dân.
Cuộc phỏng vấn còn nhận định rằng “Hai phe Dũng – Trọng khác nhau về chính sách đối nội, đối ngoại” và rằng “việc triệt hạ ý thức hệ là cuộc tương tàn thảm khốc không khoan nhượng trong nội bộ cộng sản. Đây là đặc tính tiêu biểu của chế độ cộng sản kế thừa từ chế độ phong kiến”. Họ làm như thể người cộng sản có bản chất đấu đá, cấu xé nhau man rợ, gây cho người đọc căm ghét bộ mặt người cộng sản, căm ghét chế độ cộng sản.
Cần phải hiểu rằng người công sản có thể có những ý kiến khác nhau, song vẫn phải tổ chức hành động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tức theo quyết định của đa số, nhìn về toàn thể, toàn bộ thì phải tuân theo đường lối, chính sách chung của Đảng. Chẳng hạn chính sách đối nội của Đảng hiện nay, là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo, chính sách đối ngoại hiện nay là hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong mối quan hệ, không liên minh với nước này để chống lại nước kia,…thì dù ông Dũng hay ông Trọng cũng vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện. Có đấu tranh tư tưởng với nhau cũng là nhằm cuối cùng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Đó mới là bản chất trong quan hệ nội bộ cộng sản, đảm bảo muôn người đồng lòng chiến đấu như một người.
12-04-2017
Thành Vân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét