Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Lòng tin từ việc làm cụ thể…


                    Phúc Nguyễn
Là người làm nghề tự do nên tôi chẳng phải phụ thuộc hay chịu sự ràng buộc của cơ quan, tập thể nào. Cũng không phải đảng viên ĐCS để mà nói hay cho Đảng. Với tôi, khoái nhất là bằng công việc làm ăn chân chính của mình để kiếm tiền, lo trang trải cho cuộc sống của gia đình, dư giả thì đi du lịch mỗi năm 1 – 2 lần. Cuộc sống thế là mãn nguyện rồi!
Cũng đã lâu, bù đầu với công việc nên không có thời gian đọc báo, nghe đài. Tiện hôm nay vào mạng để tìm mấy tài liệu thì vô tình đọc được bài viết Chống Cộng cực đoan là hề ngữ của Tuyên giáo CS” của ông Le Nguyen nào đó đăng ở trang Dân làm báo, thế nên tôi muốn trao đổi vài điều.
Là người dân, ai chẳng muốn có cuộc sống đầy đủ, vui vẻ, được sống trong môi trường xã hội dân chủ, văn minh. Nhưng tôi hiểu rằng dân chủ không có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm, bất chấp tất cả để làm theo ý mình. Như vậy thì chẳng phải xã hội này sẽ loạn hay sao? Dân chủ là người dân được phát huy quyền làm chủ của mình, được nói lên tiếng nói của mình, được bày tỏ nguyện vọng, được tham gia vào các hoạt động xã hội, được làm những việc chân chính mà pháp luật cho phép. Xã hội bây giờ phát triển lắm, sự hiểu biết của người dân cũng nâng lên rất nhiều, người dân đủ hiểu để biết phân biệt đúng sai, phải trái, sự thật hay giả dối, đâu phải giống như cái thời Pháp thuộc,  trên 90% người dân mù chữ để mà bảo gì dân cũng nghe, nói gì dân cũng tin? Như tôi đây, không học rộng, biết nhiều nhưng với hơn 60 năm tuổi đời và 40 năm bôn ba kiếm sống, với những trải nghiệm của cuộc đời cũng đủ để hiểu về thực tế xã hội.
Xin kể lại câu chuyện ở xã tôi. Hôm rồi, có một anh cán bộ xuống xã nói chuyện với bà con về xây dựng nếp sống văn minh. Trong lúc anh cán bộ đang say sưa nói về đạo đức, về lòng yêu nước, đức hi sinh,… thì bỗng nhiên có một cụ già giơ tay xin phát biểu. Mọi người đang ngơ ngác không hiểu có chuyện gì xảy ra mà cụ lại cắt lời cán bộ xin được phát biểu như vậy. Anh cán bộ dừng lời và mời cụ đứng lên cho ý kiến. Mọi người lặng im, tôi chắc mẩm cụ sẽ đề đạt, kiến nghị vấn đề gì liên quan đến quyền lợi của gia đình như đất đai, chế độ chính sách chẳng hạn. Nhưng với giọng rất chậm rãi của một người có tuổi, cụ nói: Từ nãy giờ chúng tôi nghe cán bộ giảng giải rất nhiều về vấn đề đạo đức, về lòng yêu nước, đức hi sinh… nhưng theo tôi không cần nói nhiều như thế, cán bộ cứ lấy chính những câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy chính cuộc đời của Bác ra để nói với mọi người là mọi người sẽ hiểu. Với chúng tôi, Bác Hồ là hình mẫu lý tưởng, cao quý nhất, chúng tôi kính phục, biết ơn Người. Nói đến đây, tôi nghe như giọng cụ nghẹn lại…cả hội trường lặng im rồi bỗng nhiên đồng loạt vỗ tay, mọi người thi nhau nói, phải đấy, phải đấy, không cần nói những điều gì xa xôi, không cần phải học ở đâu xa, chúng ta cứ nhìn gương Bác mà học tập, noi theo như vậy là xã hội sẽ tốt hết cả thôi. Và sau đó có rất nhiều người giơ tay xin phát biểu, có cả những bác cựu chiến binh, cả những anh, chị công nhân, các cậu thanh niên… mỗi người đứng lên đều kể một câu chuyện về Bác, phát biểu cảm nhận của cá nhân về Bác, cứ như thế mãi muộn hội nghị mới tan.
Vậy đấy, đâu cần phải các nhà tuyên giáo xuống dân để rao giảng thuyết trình, đâu cần phải sách nọ, sách kia nói những điều cao siêu mà ngay chính trong trái tim, trong tâm khảm của mỗi người dân bình thường nhất cũng luôn trân trọng, kính yêu và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh! Đâu cần phải “đánh bóng hình ảnh ông Hồ Chí Minh như siêu nhân, như thần thánh” theo lời của Le Nguyen thì Bác Hồ vẫn luôn là người mà nhân dân Việt Nam kính trọng, tôn thờ. Vậy thì lời mà ông Le Nguyen nói là phải “phá vỡ bức màn che chắn của tuyên giáo bảo vệ thần tượng giả tạo Hồ Chí Minh” không có giá trị để tồn tại.
Ông nói là phải “vạch trần sự thật về cái gọi là công lao đánh đuổi thực dân đế quốc của đảng cộng sản Việt nam”, tôi hiểu ý ông đang phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đánh đuổi thực dân đế quốc. Ai cũng biết trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh giặc, làm nên những chiến thắng vẻ vang. Thế nhưng xin hỏi ông, nếu như chỉ dựa vào sức mạnh của nhân dân mà không có sự lãnh đạo thì liệu có thể đánh thắng được kẻ thù xâm lược hùng mạnh như thế hay không? Dù làm gì và ở đâu thì cũng cần phải có người lãnh đạo, có đường lối, có phương pháp thì mới thành công được. Nếu trong cuộc kháng chiến ấy, chỉ dựa vào sức mạnh của nhân dân mà không có sự tính toán, không có kế hoạch, không tính đúng thời điểm thì chúng ta có thành công không? Nói đơn giản trong gia đình ông thì cũng phải có người làm chủ, để đứng ra gánh vác, quyết định những việc lớn trong gia đình. Lẽ nào tất cả mọi người trong gia đình ông đều ngang bằng nhau, vậy thì ai nói được ai, ai nghe ai? Hay như trong xóm (tổ) mà ông sinh sống thì cũng phải có trưởng xóm (tổ trưởng dân phố) để điều hành mọi việc của xóm (tổ). Hoặc như trong lớp học thì cũng phải có lớp trưởng, là người đứng đầu quản lý, điều hành lớp; nếu không thì khác nào một đàn ong vỡ tổ? Từ những việc đơn giản thế  cũng cần phải có người đứng đầu lãnh đạo, huống chi là trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, khi tình thế đất nước đang nguy cấp thì nhất định không thể thiếu sự lãnh đạo. Và lúc đó, Đảng đã đề ra những chủ trương, quyết sách đúng, quan trọng là cân nhắc, tính toán từng đường đi, nước bước để đưa ra quyết định đúng thời điểm, cộng với sự đoàn kết, quyết tâm của cả dân tộc nên chúng ta đã giành thắng lợi. Vậy nên dù ông có nói gì đi nữa thì cũng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đấu tranh chống thực dân đế quóc. Và ngay cả khi hòa bình thì đất nước vẫn cần có sự lãnh đạo của Đảng.
Ông nói rằng do “tuyên giáo cộng sản tuyên truyền gây nghi kỵ chia rẽ phá vỡ thế liên kết trong ngoài, làm suy giảm sức chiến đấu của lực lượng đấu tranh dân chủ có nguồn gốc quốc gia và cộng sản”. Như đã nói, tôi không phải là đảng viên, lại là người làm nghề tự do nên tôi cũng không biết và không quan tâm lắm đến những người làm tuyên giáo. Nhưng tôi thiết nghĩ, bất cứ ai có lòng yêu nước, thực tâm vì sự phát triển của xã hội, vì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng thì đều được trân trọng, bảo vệ, dù cho người đó ở trong nước hay nước ngoài. Thực tế thì những người hết lòng vì dân, vì nước đều được Đảng, Nhà nước trân trọng, tôn vinh. Ở đây ông nói đến “những người đấu tranh cho dân chủ” bị tuyên giáo cộng sản tuyên truyền làm suy giảm sức chiến đấu. Tôi nghe có gì đó thật vô lý! Bởi lẽ, Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy, vấn đề dân chủ ngày càng được coi trọng, và quyền tự do dân chủ của người dân cũng được đề cao. Thực tế, tôi thấy bây giờ người dân được tham gia nhiều vào các diễn đàn, có tiếng nói và thể hiện vai trò của mình trong các hoạt động xã hội. Cán bộ mà làm sai với dân, ứng xử không đúng với dân là sẽ bị phê bình, thậm chí cách chức. Vậy nên, không thể có chuyện những người đấu tranh cho dân chủ lại bị tuyên giáo cộng sản tuyên truyền gây nghi kỵ chia rẽ phá vỡ thế liên kết trong ngoài, làm suy giảm sức chiến đấu của lực lượng đấu tranh dân chủ có nguồn gốc quốc gia và cộng sản” như ông Le Nguyen nói? Trừ khi, những kẻ lợi dụng việc “đấu tranh cho dân chủ” để nhằm mục đích xấu, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của quốc gia, dân tộc, kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc thì sẽ bị lên án, bị xử lý nghiêm minh. Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin như ngày nay, nhiều kẻ lợi dụng mạng xã hội để đưa tin sai lệch, thất thiệt. Vậy nên, chúng ta phải tỉnh táo, sáng suốt, không để kẻ xấu lợi dụng làm lung lay dao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét