Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Hãy học thế giới cách tự hào về dân tộc mình



Vừa qua, từ các phương tiện truyền thông, tôi được biết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rất hoành tráng.



Nhân thông tin này, trên mạng xã hội, một số hội/nhóm đã lấy chủ đề này để đưa ra tranh luận, trong đó có nổi lên hai luồng ý kiến: Thứ nhất, đây là sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng, là một trong những ngày lễ của nhân dân Việt Nam và nên duy trì tổ chức trọng thể. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, chiến tranh đã lùi xa 40 năm nay, có nhất thiết phải tổ chức kỷ niệm hoành tráng như vậy? Thậm chí, có ý kiến cho rằng không cần phải tổ chức ngày này nữa (!?). Đọc những chia sẻ từ luồng ý kiến thứ hai, chủ yếu của các bạn trẻ, tôi cảm thấy buồn và lo lắng cho ý thức tự hào dân tộc của các bạn trẻ này.
Quốc gia nào trên thế giới cũng có những ngày lễ trọng đại của riêng mình. Trong đó, có nước lấy ngày mà họ giành độc lập là ngày Quốc khánh, có những nước lại chọn ngày Tuyên bố chủ quyền, ngày thông qua Hiến pháp và có nhiều nước chọn ngày Thống nhất là Quốc khánh.
Ở Việt Nam, do đặc điểm lịch sử của mình, chúng ta có ngày Quốc khánh - còn gọi là Tết Độc lập - là ngày 2/9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình năm 1945. Chúng ta cũng có ngày Thống nhất đất nước là ngày 30/4 - ngày chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam hoàn toàn sụp đổ, vĩnh viễn chấm dứt ách thống trị kéo dài 117 năm của đế quốc xâm lược trên dải đất hình chữ S, thống nhất hoàn toàn đất nước. Đặc biệt, Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 - với chiến thắng hoàn toàn vào ngày 30/4 - còn được coi là chiến công vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử anh hùng chống ngoại xâm giành độc lập và thống nhất đất nước của dân tộc.
Nhìn ra thế giới, người dân các nước thường vô cùng tự hào khi tổ chức kỷ niệm hay giới thiệu về những ngày lễ trọng đại của quốc gia, dân tộc họ. Có những quốc gia có lịch sử giành độc lập từ cách đây vài trăm năm, nhưng cho đến nay, khi tổ chức những hoạt động kỷ niệm thường niên, tinh thần tự hào về chiến thắng đó vẫn vô cùng nhiệt thành - như sự kiện ấy mới chỉ diễn ra ngày hôm qua.
Tôi còn nhớ, thầy dạy tiếng Tây Ban Nha người Colombia của mình - trong thời gian giảng dạy tại Hà Nội, có một hôm, ông đã đến lớp học từ rất sớm để trang hoàng cả lớp học bằng những quả bóng bay mang ba màu xanh - đỏ - vàng của Quốc kỳ Colombia. Khi chúng tôi còn ngỡ ngàng thì ông bắt đầu bài giảng của mình với nội dung là lịch sử Colombia lật đổ sự thống trị của đế quốc Tây Ban Nha, với một tinh thần đầy tự hào. Đó là ngày 20/7/1810. Sự kiện đó đã diễn ra từ cách đây hơn 200 năm và 150 năm sau đó, thầy tôi mới chào đời, nhưng tinh thần tự hào về chiến thắng của dân tộc trong thầy tôi vẫn bừng bừng như ngọn lửa. Chúng tôi đã học được rất nhiều từ bài giảng ngày hôm đó.
Quay trở lại với ngày lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc Việt Nam, ngày 30/4, thiết nghĩ, đó không chỉ là những hoạt động nhằm nhắc nhở nhân dân Việt Nam về quá khứ đau thương nhưng hào hùng của dân tộc mà còn thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc.
40 năm không phải là quãng thời gian ngắn, nhưng chưa phải và sẽ không bao giờ là quá dài, quá lâu để một số bạn trẻ tự cho phép mình quên mất một điều giản dị: Mình là ai? Mình sinh ra và lớn lên ở đâu? Đâu là quê hương, nguồn cội của mình? Và, quan trọng nhất là, vì sao mình có được ngày hôm nay?
Ngô Minh Trí 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét