Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

SỰ THẬT LÀ THẾ NÀO?




Vào dịp 30-4 năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đã đăng tải khá nhiều bài về sự kiện này. Nó cho thấy dù 40 năm đã qua song dấu ấn của sự kiện vẫn in đậm trong tư tưởng và tâm trạng của các tầng lớp nhân dân ta trong và ngoài nước cũng như dư luận thế giới. Và sự nhìn nhận về sự kiện này có khác nhau âu cũng là điều khó tránh. Chỉ có điều người đọc muốn biết sự thật là thế nào?
Những ai đã từng sống trong những ngày 30-4-1975 cũng như những ai đã từng được xem những thước phim tài liệu về những ngày này không thể không xúc động, tự hào về sự kiện này. Không xúc động sao được khi chứng kiến niềm khao khát của cả dân tộc là đất nước thống nhất đã trở thành hiện thực! Không tự hào sao được khi dân tộc ta đã giành được chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống một đội quân xâm lược với trang thiết bị hiện đại nhất trong thế kỷ XX ! Để giành được chiến thắng đó,để thực hiện được mục tiêu thống nhất nước nhà,nhân dân ta đã tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ với sự hy sinh vô cùng to lớn.Nhân dân miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân của đế quốc Mỹ đồng thời hết lòng hết sức chi viện cho đồng bào miền Nam .Lớp lớp thanh niên nam nữ " xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".Chị em phụ nữ phải gánh vác mọi công việc sản xuất và gia đình thay cho nam giới ở chiến trường.Ngay các cụ phụ lão cũng tham gia vào các đội bắn máy bay giặc.Các em học sinh cùng các thày cô giáo phải rời mái trường thân yêu ở thành phố để về các vùng nông thôn tiếp tục học tập ...Nhân dân miền Nam ở mọi vùng miền, không phân biệt dân tộc ,tôn giáo,nghề nghiệp ...đều tham gia dưới mọi hình thức vào cuộc đấu tranh trực tiếp chống quân xâm lược,lần lượt đánh thắng các chiến lược "chiến tranh đặc biệt","chiến tranh cục bộ","Việt Nam hoá chiến tranh"...cùng cả nước tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.Đông bào ta ở nước ngoài bằng mọi khả năng của mình với nhiều hình thức thích hợp đã có đóng góp lớn lao vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, trong đó có hoạt động tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta cũng như tranh thủ sự đồng tình ,ủng hộ của nhân dân các nước sở tại và các nước khác trên thế giới . Chính vì thế , chiến thắng 30-4 là chiến thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam,là kết tinh sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc được hun đúc trong quá trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với sức mạnh của thời đại mới.
Đó là một sự thật lịch sử mà không ai có thể phủ nhận.
Bên cạnh chiến thắng vĩ đại đó và để có được chiến thắng vĩ đại đó, nhân dân ta đã phải chịu đựng những tổn thất vô cùng to lớn về sức người và sức của, về vật chất và tinh thần. Hàng triệu người con ưu tú thuộc các thế hệ của dân tộc đã hi sinh, trong đó có không ít người mà đến hôm nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Hàng triệu người mang thương tật suốt đời và hàng ngày vẫn phải chịu sự dày vò về thể xác. Hàng vạn người lớn và trẻ em vẫn đang phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của chất độc hoá học. Biết bao Bà Mẹ Việt Nam đã và dang chịu nỗi đau thương không gặp con mình trong ngày chiến thắng của dân tộc ,không nhìn thấy những đứa con mà mình mang nặng đẻ đau ở bên cạnh khi nhắm mắt xuôi tay. Với thiên chức của Người Mẹ, trong một hoàn cảnh tương tự thì nỗi đau của những Người Mẹ Việt Nam cũng là nỗi đau của tất cả Người Mẹ trên thế giới -những nỗi đau không gì bù đắp được .
Đó là một sự thật lịch sử mà không ai có thể phủ nhận.
Để đền đáp công ơn của những người đã hy sinh và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng đân tộc,thống nhất đất nước ,trong những năm qua Nhà nước cũng như mọi tầng lớp nhân dân ta đã có những nỗ lực tối đa để góp phần khắc phục những hậu quả chiến tranh, làm dịu đi nỗi đau của mỗi gia đình, nhất là mỗi Người Mẹ trước hậu quả cuộc chiến tranh mà dân tộc ta hoàn toàn không mong muốn nhưng buộc phải chấp nhận. Từ các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, đối với người có công, đến việc tôn vinh và đãi ngộ Mẹ Việt Nam anh hùng, từ việc chăm sóc nạn nhân chất độc da cam đến việc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam trên các diễn đàn quốc tế v.v…Sau khi thống nhất,đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới với mục tiêu  xây dựng một xã hội dân giầu ,nước mạnh ,xứng đáng với sự hy sinh to lớn của tiền nhân,đáp ứng niềm mong đợi của mọi con dân nước Việt.Nhiều chính sách của Nhà nước Việt Nam đã được ban hành nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.Đối với người Việt Nam ở nước ngoài -một bộ phận không tách rời của công đồng dân tộc Việt Nam- đất nước có nhiều chính sách mở cửa đón nhận kiều bào về thăm và định cư ở quê hương như đón những người con ở xa trở về quê mẹ,trở về nơi chôn nhau cắt rốn ; trân trọng đối với những đóng góp tài năng và tài lực của kiều bào vào công cuộc xây dựng đất nước.Tuy nhiên không ai có thể khẳng định những việc làm như nói trên là đã đầy đủ,đã hàn gắn trọn vẹn mọi tổn thất vật chất và tinh thần do chiến tranh để lại,đã xoá hết mọi mặc cảm trong một bộ phận đồng bào...mà nguyên nhân có cả phần khách quan và phần chủ quan.
Đó là một sự thật lịch sử mà không ai có thể phủ nhận .
Trong những ngày này nếu ai quan tâm tìm đọc báo chí của người Việt Nam ở nước ngoài viết về ngày 30-4 có thể thấy sự khác nhau nhất định khi đánh giá về sự kiện này. Đó cũng là điều bình thường. Nhiều bài viết cho rằng chiến thắng 30-4 là chiến thắng của những ai là con Lạc, cháu Hồng; nhờ chiến thắng đó mà vị thế  của người Việt Nam ở nước ngoài được nâng cao,được sự trân trọng của nhân dân các nước sở tại .Từ sự đánh giá đó, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương đất nước. Nhiều người đã về thăm quê hương và đều có những ấn tượng tích cực về đất nước. Không ít người về định cư ở quê nhà. Lượng kiều hối do đồng bào gửi về nước ngày càng tăng đến nay đã lên tới gần 15 tỷ USD mỗi năm. Nhiều dự án về kinh tế- văn hóa – xã hội do kiều bào ta đầu tư đã có hiệu quả thiết thực. Nhiều nhà khoa học gốc Việt nổi tiếng ở nước sở tại cũng như trên thế giới đã về nước tham gia tư vấn, hướng dẫn, giảng dạy tại các cơ sở khoa học, các trường đại học trong nước… Đó là chưa kể các hoạt động đa dạng của kiều bào ta ở ngay các nước sở tại . Cũng không ít bài viết nói về đất nước vẫn như những gì mình nhìn thấy từ hàng chục năm trước, không thấy những thay đổi của đất nước, nhất là từ khi đất nước đổi mới đến nay .Điều đó một phần do bà con vẫn còn sự mặc cảm về quá khứ của mình, một phần do bà con thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin một chiều .Một số bài viết cho thấy, cho đến nay có một số người vẫn giữ lòng hận thù với chế độ mà họ gọi là "chế độ cộng sản''. Hơn ai hết họ cần hiểu đúng nguồn gốc sự hận thù này là do đâu.Chính do sự thù hận đó nên họ nhìn nhận sự kiện 30-4 không như số đông người Việt Nam ở nước ngoài. Họ cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua là cuộc nội chiến giữa 2 chính thể, rằng miền Bắc xâm lược Việt Nam, rằng cuộc chiến tranh này do “ chế độ cộng sản khởi sự "  v.v… Nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong nước, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và  ở nhiều nước , kể cả ở Mỹ và nhất là thực tiễn lịch sử đã bác bỏ sự đánh giá của họ về sự kiện 30-4.Nhân đây xin nêu một số dẫn chứng. Ngày 1-11-1945, sau 2 tháng kể từ ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Jamess Bierner mong được Chính phủ Mỹ nhận 50 thanh niên Việt Nam sang" tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp và các lĩnh vực khác". Ngày 16-2-1946, Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman để khẳng định Việt Nam mong muốn" được độc lập hoàn toàn và ý nguyện lập sự hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Cũng trong năm 1946 Hồ Chí Minh đã gửi tiếp 6 lá thư nữa đến Tổng thống Henry Truman cũng về những vấn đề nói trên nhưng đều không có hồi âm.Trong khi đó , ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7-1954), chính giới Mỹ tuyên bố :“Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” và lập tức viện trợ tài chính, trang thiết bị quân sự, cố vấn cho chính thể Quốc gia Việt nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa. Chỉ với những dẫn chứng nói trên, những ai thật sự tôn trọng sự thật không thể không rút ra kết luận về sự thiện chí của nhân dân Việt Nam cũng như người khởi sự cuộc chiến tranh Việt Nam chính là phái diều hâu trong chính quyền Mỹ.
Đó là một sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận.

Duy Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét