Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

… HÃY NHÌN CHO ĐÚNG VỀ THÁNG 4

Trung Dũng
Lang thang dạo chơi trên internet, tôi vô tình đọc được một bài tâm sự chia sẻ của Phan Đăng với tiêu đề: “Một khoảnh khắc tháng 4”. Khi đọc xong những dòng chia sẻ, tâm sự của "bạn", bản thân tôi thấy băn khoăn, day dứt và xen lẫn nỗi buồn, tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng quyêt định viết ra những dòng suy nghĩ của mình với tư cách là một công dân đất Việt. Tôi không biết hiện nay "bạn" bao nhiêu tuổi, nhưng theo cảm nhận của tôi "bạn" là người đã trưởng thành về tuổi tác, nhưng trong suy nghĩ và nhìn nhận sự việc tại sao lại "nông cạn, phiến diện" như vậy, phải chăng "bạn" đang thực hiện một công việc trái với lương tâm của chính mình. Khi đọc đoạn văn "Chỉ cần nhìn qua các tít báo có thể thấy ngay người ta đã nhìn về lịch sử dưới góc độ nào, giọng điệu nào và rút ra những bài học nào trong hiện tại... Cứ như thế, tôi chìm đắm trong một thế giới báo chí đầy ắp giọng điệu ngợi ca quá khứ và một tinh thần lạc quan về hiện tại, tương lai..." của "bạn" đã biết bạn là ai? đang làm gì? rồi lại nữa, "bạn" cho rằng "Kỷ niệm 30 năm giải phóng Miền Nam, tại sao không thấy bất cứ một tờ báo nào, một bài báo nào đề cập tới mặt thứ hai này? Chỉ khi nào người ta công khai nói tới điều này thì lúc đó lịch sử mới được nhận thức một cách đầy đủ. Chỉ khi nào người ta thấy được sự mất mát khủng khiếp của con người trong chiến tranh thì mới có thể xây dựng được một xã hội đích thực của dân, do dân và vì dân" trong hiện tại"...
Với giọng điệu như vậy, nói trắng ra, Phan Đăng đã lợi dụng ngày tháng 4 này của dân tộc để ngầm cho rằng công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là không cần thiết mà chỉ đem lại khổ đau, nghèo đói cho dân tộc; cái ý chính của Phan Đăng, cố nhiên phải được hiểu là Việt Nam thà để cho Mỹ tiến chiếm, đô hộ để xã hội được giàu sang. Không biết nếu như tác giả Phan Đăng được sinh ra khi đất nước bị lầm than cơ cực, bị kẻ thù xâm lược, khi đó, tính mạng của mỗi người dân bị đe dọa, bị xâm hại hàng ngày, hàng giờ thì lúc đó tác giả có thể sống được không, có dám đứng lên bảo vệ chủ quyền của đất nước như cha ông chúng ta đã làm không?. Phải chăng lịch sử của dân tộc ghi lại những thông tin, con số đầy tang tóc, bi ai mà đế quốc Mỹ xâm lược đã gây ra cho dân tộc ta trong 40 năm về trước là không có ý nghĩa, bao nhiêu trang sách, bài báo đã ghi lại chả nhẽ một người như tác giả Phan Đăng lại không nắm rõ điều đó mà còn lại phải phán xét cho là này nọ...thử hỏi, liệu có xứng là một công dân được sinh ra và được nuôi dưỡng trong lòng đất mẹ. Thực ra tôi không muốn nhắc lại những điều đau thương đó, nhưng tôi vẫn phải dẫn chứng ra đây để tác giả Phan Đăng thấy rõ. Mặc dù cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam 40 năm trước đây vẫn còn hết sức nặng nề. Những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được tuyên truyền.   
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã trút xuống hai miền Nam, Bắc Việt Nam một khối lượng bom lớn hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào do Mỹ thực hiện trước đó. Cuộc khủng bố đẫm máu ở Mỹ Lai, B52 rải thảm ở Khâm Thiên và chiến dịch rải chất độc da cam trên một diện tích rộng trong chiến tranh chỉ là số ít trong hàng nghìn tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, lính Mỹ đã giết hại hơn 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Vụ việc đã từng bị cố tình che đậy hơn hai năm trời, và chỉ sau khi báo chí điều tra ra, sự thật mới bị phơi bày. Nhiều tờ báo ở Mỹ lúc đó bình luận: "Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai”.
Cho đến hôm nay, nỗi kinh hoàng trong vụ thảm sát phố Khâm Thiên - khu phố đông dân nhất của Hà Nội, tháng 12-1972 bằng bom B52 của không lực Hoa Kỳ vẫn chưa phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Hà Nội. Chỉ trong đêm 26-12-1972, toàn bộ 6 khối phố của Khâm Thiên bị phá huỷ, gần 2.000 ngôi nhà bị sập, trong đó có 534 căn nhà sập hoàn toàn. Bom B52 đã cướp đi 283 sinh mạng, trong đó có 40 cụ già, 91 phụ nữ, 55 trẻ em, làm bị thương 266 người. Nhiều gia đình không còn ai sống sót. Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều phòng bệnh đã bị bom Mỹ đánh sập cùng với các bệnh nhân và nhân viên y tế. Hồi tưởng lại những gì đã xảy ra ngày đó, một nạn nhân sống sót đã bày tỏ, chiến tranh đã đi qua, nhưng mỗi lần đến ngày lễ Giáng sinh, ông lại thấy đau âm ỉ trong lòng vì cảnh tang thương ngày ấy. Giờ đây, sau gần 40 năm, những dấu tích chiến tranh dường như không còn nữa, nhưng bức tượng người phụ nữ bồng xác đứa con thơ đứng đau đớn, lặng lẽ trên phố Khâm Thiên sẽ là một bằng chứng chiến tranh còn lại mãi với thời gian. Năm đó, Đức Chúa trời hẳn đã chứng kiến một mùa Giáng sinh đau thương ở Hà Nội và buồn ở Oa-sinh-tơn.
Chưa hết, có lẽ dã man nhất là việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc màu da cam/dioxin dội xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam. Những hậu quả của chất dioxin đối với người Việt Nam đến nay vẫn còn hết sức nặng nề với khoảng 4,8 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng và 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra. Hậu quả bi thảm này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ và qua bao nhiêu thế hệ. Trong tuyên bố phản đối Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác đơn thỉnh cầu của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ngày 2-3-2009, Hội đồng Hòa bình Mỹ khẳng định: đây là sự vi phạm thô bạo của quân đội Mỹ về quyền con người, một tội ác nghiêm trọng chống lại loài người, đồng thời lên tiếng phê phán chính quyền và các công ty hóa chất Mỹ đã lẩn trốn trách nhiệm và che dấu sự thật trước dư luận...
Thưa với tác giả phan Đăng và những ai còn lầm tưởng như Phan Đăng, hãy tỉnh táo mà suy xét, những dẫn chứng ở trên, thử hỏi dân tộc Việt Nam có phải đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước hay không?. Nhắc lại những ký ức đau thương trong chiến tranh chẳng ai muốn, người viết bài này không nhằm khơi lại mối thù đã qua, mà chỉ nhằm khẳng định một điều: "bạo lực và chiến tranh không phải là phương thức giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại, dân tộc Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các dân tộc trên trái đất này, để một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét