Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

ƯỚC MƠ SAO CHO CHÍNH ĐÁNG




Hồ Sơn
Thoạt đầu mới đọc, tôi rất thích thú bài “Những ước mơ” của Nguyên Thạch (NT), vì cái ý tưởng ban đầu là lòng mong muốn đất nước VN ngày càng giàu mạnh, tự hào “ngẩng mặt với thế giới năm châu của một dân tộc có truyền thống thông minh”. nhấn mạnh, truyền thống cần cù lao động, tinh thần hiếu học, lòng yêu nước thương nòi, ý chí vượt qua mọi gian khó của người dân trong nước cộng với đóng góp về tiềm năng chất xám và tài chánh đáng kể của Việt kiều khắp thế giới, “tất cả sẽ xây dựng đất nước phát triển vững mạnh trong tương lai không xa”. Đó đó, NT kết luận: “Bất luận là hải ngoại hay quốc nội, ai trong chúng ta cũng đều có ước mơ. Lớp người lớn tuổi thì chấp nhận gian nan khổ cực để hy sinh cho đàn con cháu. Tuổi trẻ thì cố gắng trao dồi tri thức, năng nổ trong hành động để xứng đáng là thành phần rường cột của quốc gia. Hãy là người VN hào hùng và chân chính, không quị lụy trước cường quyền, không khuất phục giặc ngoại bang”.
Thực lòng mà nói, tôi nghĩ, chúng ta đã là người VN yêu nước thì dù sinh sống và làm việc ở đâu trên thế giới này cũng luôn sẵn sàng đóng góp cho quê hương đất nước. Đóng góp đó có thể là tài chính, có thể là ý tưởng xây dựng phát triển kinh tế xã hội, hoặc là mở doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho bà con nhân dân… đều có ý nghĩa cả. Đất nước của mình, dù mình không còn sinh sống ở đó, nhưng đó là nơi đã sinh ra tổ tiên mình. Mảnh đất đầy nắng và gió, nguồn nước suối, vạt phù sa đã tạo nên hạt lúa, củ khoai nuôi sống biết bao thế hệ, tạo ra sản vật, lương tài giúp ông cha ta đánh thắng các thế lực ngoại xâm, giữ yên bờ cỏi chủ quyền quốc gia dân tộc. Cũng từ mảnh đất này, tổ tiên ta đã xây đắp, tạo dựng, giữ gìn, lưu truyền các giá trị văn hóa có sức sống bền lâu qua thời gian và ảnh hưởng rộng trong không gian. Dù khó khăn, đói rét, dù chết chóc hy sinh, nhưng tổ tiên ta vẫn kiên quyết một lòng đánh đuổi các thế lực ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi biên cương, giữ gìn văn hóa VN.
Nếu là người có hiểu biết và được giáo dục tử tế thì không thể không nhìn thấy, không bảo vệ và tự hào các giá trị của ông cha ta đã tạo dựng, đặc biệt là truyền thống yêu chuộng hòa bình, đề cao độc lập tự do, kiên quyết đánh thắng các thế lực phong kiến phương Bắc giành độc lập dân tộc, giữ yên bờ cõi; đánh thắng đế quốc Pháp xâm lược, thống trị dân tộc ta gần 100 năm, đánh thắng đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại, chia cắt đất nước VN. Cũng cần phải hiểu rằng, đất nước VN trải qua chiến tranh nối tiếp chiến tranh, mới được hòa bình khoảng 40 năm nay mà có được cơ sở vật chất, tạo dựng được cuộc sống cho nhân dân như hôm nay quả là đáng mừng, chứ không phải đem so sánh với các nước Âu - Mỹ để chỉ trích sự nghèo khó của ta. Vì vậy, dù già hay trẻ, nam hay nữ, sinh sống ở trong hay ngoài nước, đã là người Việt, mang hồn Việt và có khí chất Việt thì đều mong ước cho quốc thái dân an, nước mạnh dân giàu, cuộc sống thanh bình, an vui mạnh khỏe.
Thế nhưng, tôi hơi băn khoăn là NT lại có những mơ nước khó hiểu, ví như viết: “43 năm trôi kể từ ngày 30 tháng Tư oan nghiệt, bao nhiêu hình ảnh, ký ức, đau thương, căm hận... đầy xót xa ngậm ngùi của khối người ở lại và phải đối mặt với chuỗi nhiêu khê và nghịch lý để dần dà trở thành lớp người lưu đày trên chính quê hương mình”. “Hệ quả của việc cướp đi sự Tư Do Nhân Bản của miền Nam không chỉ đơn thuần là gieo rắc thảm cảnh nghèo đói, tụt hậu, mất hết mọi quyền căn bản của con người... mà nó còn là một vết thương mãn tính mà không có loại dược liệu nào có thể chữa trị được trừ phi miền Nam và cả đất nước được trở lại vị trí cũ nơi có "những ngày xưa thân ái" của nó, đó là một VN không cộng sản”.
Tôi thấy NT ước vọng không giống ai, điều đó rất dễ làm cho người ta hiểu lầm là kích động hận thù, làm chia rẽ sự đoàn kết. Bởi vì, sau ngày thống nhất tháng 4-1975, đất nước VN đều lấy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và phát triển, không khắt khe với quá khứ, miễn là những ai sai lầm trong quá khứ mà biết ăn năn hối hận, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước VN thống nhất thì đều được hưởng mọi chế độ bình đẳng. Chỉ có những ai đó mang trong mình sự hận thù vì thất bại, rồi tìm cách chống đối, đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc VN thì mới nghĩ chuyện này chuyện nọ, có cái nhìn không thiện cận về đất nước mà thôi. Vì mà mong ước trở lại ngày xưa - cái ngày chiến tranh điêu tàn của âm mưu chia cắt đất nước có sự đỡ đầu của đế quốc Mỹ. Ước vọng như vậy, theo tôi, thật là không nên chút nào!
Nếu NT là một người như bao công dân khác của đất nước VN thống nhất đang từng ngày đổi mới, chấp hành đầy đủ luật pháp VN, sống vì lý tưởng, lợi ích chung của quảng đại nhân dân VN thì không cần gì phải viết: “Tôi ước mơ được trở lại đất nước của tôi trong cung cách của một người tự do tư tưởng, không bị theo dõi, kiểm soát cũng như trù dập. Tôi muốn quay về thôn xưa nơi mà tôi đã để lại núm rún để giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó bệnh tật không nơi nương tựa mà không bị guồng máy cầm quyền theo dõi và cho là lôi kéo quần chúng lật độ chính quyền?”. Đất nước VN ta từng dang rộng vòng tay đón những người con xa quê hương, kể cả những người trước đây không đi theo Đảng để ủng hộ chủ trương thống nhất đất nước, tiêu biểu như trường hợp Nguyễn Cao Kỳ, miễn là họ có tình yêu quê hương, biết xây dựng quê hương, làm lợi cho đất nước và quê hương.
Xã hội nào, đất nước nào, dù phát triển đến mấy cũng không thể không có những mặt hạn chế nhất định. Mặc dù xã hội VN hiện nay cũng có nhiều vấn đề cần phải khắc phục, nhất là một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, suy thoái đạo đức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, rồi nạn hàng giả, thực phẩm bẩn, buôn lậu… làm nhân dân lo lắng. Nhưng không đến nỗi như NT bi quan rằng: “Khối người Việt quốc nội và hải ngoại ước mơ xây dựng lại đất nước đã bị đảng cộng sản VN (ĐCSVN) phá vỡ toàn diện về cả 2 mặt tinh thần lẫn vật chất. Đạo đức suy đồi đến tận cuối, gian dối lừa lọc cùng khắp, nhẫn tâm trong bạo lực đến kinh hoàng. Tài nguyên thiên nhiên bị vơ vét tận tuyệt, mồ hôi nước mắt của dân chúng bị lãng phí một cách vô lý và vô lương để tô vẽ sự hào nhoáng cho tên Việt gian Hồ Chí Minh và ĐCSVN”.
Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn vào mặt tốt của đất nước để tự hào, khách quan chỉ ra mặt hạn chế để khắc phục, không nên vơ đũa cả nắm để rồi bi quan dẫn đến ngõ cụt; phủ định tất cả, mất phương hướng, dẫn đến không phân biệt được tốt - xấu, bạn - thù, chính - tà, thật - giả. Như thế, rất dễ sa vào chủ nghĩa cực đoan, làm ngắn con đường đi tới phản bội dân tộc, làm tay sai cho kẻ thù phản quốc hại dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét