Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

IPU-132 Hà Nội đánh dấu sự thay đổi về nhận thức

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU-132 phát biểu.

Đó là phát biểu của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), ông Saber Chowdhury, tại cuộc họp báo quốc tế chiều ngày 1/4 về kết quả hoạt động của Đại hội đồng IPU-132. Cuộc họp báo có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Tổng thư ký IPU Martin Chungong, ông Ngô Đức Mạnh- Trưởng tiểu Ban Tuyên truyền IPU-132, bà Jemini Pandya - Giám đốc Truyền thông IPU và ông Lê Hải Bình - Giám đốc Trung tâm Báo chí IPU-132.


Các hoạt động diễn ra suôn sẻ
Phát biểu tại cuộc họp báo với tư cách Chủ tịch IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vui mừng thông báo các hoạt động của IPU-132 - từ Lễ khai mạc, Phiên thảo luận chung, các cuộc họp của Hội đồng điều hành, các Ủy ban thường trực, Diễn đàn nghị sỹ trẻ, Hội nghị nữ Nghị sỹ, đến Hội nghị của Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện -đã diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ, đúng trình tự, đúng thủ tục, trong tinh thần hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và đầy trách nhiệm.
Về chủ đề thảo luận chung của IPU-132, chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” là nội dung hết sức quan trọng, thiết thực nhận được sự nhất trí cao của tất cả Lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ, các khách mời của IPU-132. Các đại biểu đã đóng góp tích cực, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về chủ đề này và cho các văn kiện quan trọng khác của IPU 132.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có tất cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng đã được thông qua. Trong đó, các Ủy ban thường trực của IPU đã thông qua các Nghị quyết gồm (i) Chiến tranh mạng –mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; (ii) Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; (iii) Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người. Về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã chọn, thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, về các hoạt động bên lề IPU 132 như Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị nữ Nghị sỹ IPU; các chương trình tham quan, biểu diễn nghệ thuật đã diễn ra tốt đẹp.
“Trong phiên họp Đại hội đồng IPU-132 chiều nay, chúng tôi tin tưởng sẽ thông qua Dự thảo Tuyên bố Hà Nội. Đây là văn bản quan trọng mang tính tổng kết kết quả thảo luận của IPU-132; phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các Nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, của quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Thành công của Đại hội đồng IPU-132 chứng tỏ sự lớn mạnh, vai trò tích cực, tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của IPU mà còn đóng góp cho việc xử lý những thách thức toàn cầu, định hình cho sự phát triển tiếp theo của nhân loại”.
Cách tiếp cận mới
Không chỉ đánh giá cao về sự chuẩn bị và công tác tổ chức IPU của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đã nhấn mạnh sự khác biệt giữa IPU-132 và kỳ họp IPU trước đó. Ông cho biết: các kỳ họp trước chú trọng về miêu tả còn Đại hội đồng lần này đã tạo ra được các cách tiếp cận mới, thể hiện một xu hướng mới: tập trung vào giải pháp hơn là xác định vấn đề.


Mỗi dự quyết mà chúng ta thông qua hay các cuộc họp đều tập trung vào chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, với mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân, với tư cách là đại diện của người dân, ông Chowdhury nói.
Theo ông Chowdhury: “Sau này nhìn lại, Hà Nội sẽ được nhìn nhận là dấu mốc về sự thay đổi nhận thức và về cách tiếp cận của IPU, trong đó người dân luôn được đặt ở trung tâm khi các nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an ninh... đều vì người dân. Các vấn đề hòa bình, an ninh đều được thể hiện qua các nghị quyết, tạo ra các giá trị cốt lõi để cùng thảo luận, tìm ra giải pháp.
Về Tuyên bố Hà Nội, ông Chowdhury cho biết, Dự thảo được Quốc hội Việt Nam đề xuất, được thông qua tại Hà Nội và là di sản đóng góp của Việt Nam cho toàn thế giới. Văn kiện này sẽ được trình tại Hội nghị của các nhà lãnh đạo IPU tại New York và tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Khi được hỏi về ấn tượng lớn nhất với những đóng góp của Việt Nam, ông Chowdhury cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam đã lựa chọn chủ đề và chủ đề đó đã định hình, định hướng cho tất cả các cuộc thảo luận. Các nghị sĩ của Việt Nam cũng đã đóng góp vào tất cả các nội dung thảo luận, tham gia vào tất cả các Ủy ban thường trực, đồng thời luôn có thiện chí chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
Ông Chowdhury một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam đã tạo ra các tiêu chuẩn mới cho những người tổ chức IPU trong những năm tiếp theo.
Về vai trò của IPU đối với những thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, ông Chowdhury nói rằng, bản thân IPU không tham gia vào những nỗ lực hòa giải hay những tranh chấp mà nói về những nguyên tắc cần được áp dụng. Theo đó, IPU tôn trọng các khái niệm chủ quyền, quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng quyền con người. IPU chủ trương thúc đẩy đối thoại bởi thông qua đối thoại chúng ta sẽ giải quyết được nhiều việc. Ông Chowdhury cho rằng, thay vì đợi xảy ra xung đột, chúng ta có thể thúc đẩy đối thoại giữa các bên, hướng tới xây dựng hòa bình, phát triển hòa bình.
Nguyễn Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét