Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt (Bài 3)

Bài 3: Làm chủ “trận địa” thông tin
QĐND - Để đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chúng ta phải luôn ở thế chủ động: Chủ động phản bác, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; chủ động làm chủ “trận địa thông tin”. Làm được điều đó thì: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Đó là ghi nhận của chúng tôi khi làm việc với nhiều chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề này…
Lúa và cỏ dại
“Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù”. Đó là bài học mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần căn dặn chúng ta. Năm 1963, tại một hội nghị tuyên giáo, Người đã chỉ ra nhiệm vụ công tác tuyên huấn gồm hai mặt: Một mặt là làm sao mưu lợi cho đồng bào; một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”. Theo Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam), chúng ta cần học Bác Hồ cách xử lý thông tin. Năm 1947, khi viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” Bác Hồ đã cho rằng “phương thuốc” tốt nhất đối với Đảng là “tự phê bình và phê bình” song phải lấy xây làm chính, giống như người trồng lúa phải làm sao cho lúa tốt. Lúa tốt rồi thì sẽ không ngại dăm ba cây cỏ dại. Hiện nay, không phải thông tin gì cũng công bố bởi “việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, song cần làm tốt công tác tư tưởng mà trước hết muốn để dân hiểu, dân tin thì phải có thông tin đúng đắn.
Chiến sĩ trẻ đảo Phan Vinh đọc Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: Văn Phong.
Từ quan sát hoạt động truyền thông mấy năm gần đây, Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phân tích một ví dụ: Một cán bộ cao cấp khi nghỉ hưu có những thông tin đồn đoán là tham nhũng, tiêu cực khiến dư luận xì xào, bàn tán. Nhưng khi đồng chí đó từ trần, đài báo đưa hàng loạt thông tin cảm động về phong cách giản dị, gần dân, lội ruộng với nông dân, đau đáu lo cho nông nghiệp thì người dân lại thấy cảm phục và tiếc thương sâu sắc. Điều đó cho thấy thói quen dư luận hay săn đón thông tin tiêu cực, mà có khi coi nhẹ thông tin nêu những mặt tích cực.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, GS, TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: “Cái gốc vẫn là phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Cây mạnh thì không sợ gió lay”. Còn trong thế trận thông tin, trước hết phải củng cố chính diện, thông tin sự thật với sức mạnh bền bỉ nhất sẽ đánh bại mọi tin đồn thất thiệt”. Điều này từng được nhà báo Phan Quang so sánh, sự thật như ánh sáng, ánh sáng sẽ xua đi mọi góc tối.
Chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời
Từng là một nạn nhân của thông tin xuyên tạc, ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kể: “Tôi có lúc đã bị xuyên tạc, vu khống trên mạng. Họ bình luận cả những chuyện đời tư của tôi mà không hề có một chút thực tế nào. Lúc đó, một số đồng chí, đồng đội, bạn bè bức xúc, đề nghị phải lên tiếng, nhưng tôi suy nghĩ khác. Chỉ cần nghe qua, xem qua tôi đã biết những thông tin đó là như thế nào, nhằm động cơ gì. Mình là người đàng hoàng, trong sáng, làm gì phải bận tâm, mất thời gian bởi những thứ “rác rưởi” như thế. Để những thông tin xấu độc tràn lan trên mạng, ngoài trách nhiệm của công tác quản lý, phải chăng những luồng thông tin chính thống của chúng ta còn chưa mạnh. Các biện pháp hành chính là cần, nhưng theo tôi điều quan trọng hơn là thông tin của chúng ta phải công khai, minh bạch hơn”.
Mới đây, khi làm việc với Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh vấn đề này. Theo Thủ tướng, làm tốt được việc này vừa tiết kiệm kinh phí, lại kịp thời ngăn chặn những thông tin không đúng đắn, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người dân. Cần bảo đảm tốt hơn quyền được cung cấp thông tin của người dân. Những thông tin nào chưa đúng, làm người dân phân tâm thì phải nói lại để xã hội hiểu đúng.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Sẽ có kế hoạch đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội. Thực tế, để ngăn chặn các luồng thông tin là rất khó, vì vậy chủ trương của Thủ tướng là cần đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội và phải có người chịu trách nhiệm về nguồn thông tin đó, qua đó nhân dân có những thông tin chính xác, kịp thời”. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, việc cung cấp thông tin phải có kế hoạch kỹ lưỡng và chặt chẽ, với mục đích giúp công chúng hiểu rõ bản chất của thông tin được cung cấp.
Thực tế những năm gần đây, đã xuất hiện thêm nhiều kênh thông tin, cầu nối giữa lãnh đạo và người dân như: Các cuộc giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo với nhân dân, chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, “Người dân và Chính phủ”, “Quốc hội với cử tri”... Đặc biệt, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, sau đó quy chế này tiếp tục được bổ sung, sửa đổi vào năm 2013 với 8 điểm mới, khắc phục thực trạng cơ quan công quyền né tránh báo chí.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, sau 2 năm thực hiện quy chế nêu trên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc quy chế, chưa có người phát ngôn và tổ chức họp báo định kỳ: “Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: Công dân có quyền tiếp cận thông tin. Quốc hội đang nghiên cứu, sửa đổi Luật Báo chí trong kỳ họp cuối năm 2015. Khi sửa đổi Luật, cần có thêm các quy định chặt chẽ về việc cung cấp thông tin, người phát ngôn, họp báo, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị phải trả lời báo chí…”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Nếu không tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống thì tạo khoảng trống cho thông tin xấu, độc hại xuyên tạc. Về cơ chế cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, vừa qua, có nhiều cơ quan chủ động cung cấp thông tin như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế nên thông tin sai lệch giảm đi. Các cơ quan Nhà nước phải làm tốt công việc này, nhất là làm tốt vai trò người phát ngôn, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, nhanh nhạy và liên tục”.
TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng: “Cần phải có một cơ chế cung cấp thông tin thật nhanh và chính xác cho báo chí trong nước. Các phương tiện truyền thông trong nước phải đưa thông tin thật nhanh nhạy, hấp dẫn, bổ ích để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Khi công chúng được đáp ứng đủ nhu cầu thông tin thì họ không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài”. Để thực hiện được giải pháp này, việc sớm sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí ở nước ta rất quan trọng. Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng mới đây đã đề ra các giải pháp quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, giúp cho các cơ quan báo chí mạnh lên cả về tư tưởng chính trị, về nội dung thông tin, bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích. “Trong quá trình góp ý cho đề án này cũng có nhiều đại biểu nói rằng các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải cần đổi mới tư duy, phương thức làm việc để làm sao sự chỉ đạo, quản lý phải nhanh nhạy, sắc bén, kịp thời hơn nữa. Chúng tôi cũng thấy rằng mình có lúc còn e dè, cân nhắc kỹ lưỡng quá, dẫn đến việc thông tin chỉ đạo báo chí không kịp thời. Nếu xã hội cần biết thì nên chủ động cung cấp. Mình chủ động chừng nào thì tốt hơn chừng đó. Còn những thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích của đất nước thì cần phải cân nhắc”-đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho biết.
Chủ động phản bác, đấu tranh
Trong hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 mới đây, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, yêu cầu phải chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt và thẳng thắn phê bình việc một số cơ quan báo chí: “Chúng ta đánh giá chung rằng báo chí năm qua tích cực tham gia cuộc đấu tranh này, nhưng có nhiều tờ báo không có tin, bài nào. Trong khi ta đã quán triệt tinh thần là những thông tin sai sự thật, bịa đặt thì bản thân các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phải bác bỏ, không chờ người khác định hướng và bác bỏ giúp”.
PGS, TS Đào Duy Quát kiến nghị nên có một “tư lệnh” trong cuộc chiến thông tin này. Tuy nhiên, báo chí tuyệt đối không được “chạy theo thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng” mà phải vào cuộc với sự tỉnh táo, trách nhiệm. Nêu ví dụ từ việc một cán bộ cấp cao từ trần do bệnh hiểm nghèo trong dịp chuẩn bị Đại hội Đảng trước đây, sự im lặng tạo đất trống cho nhiều lời đồn đoán, xuyên tạc, ông Quát kiến nghị thay cho sự im lặng hoặc trả lời muộn màng thì có thể thông tin ngắn gọn, ban đầu trên báo chí để người dân biết.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: "Bản chất của các thế lực thù địch không bao giờ thay đổi, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh. Tuy nhiên, cần phân biệt những người có ý kiến trái chiều với các thế lực phản động. Cần chủ động tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều, cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác".
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: "Hiện nay, không phải thông tin gì cũng công bố, bởi “việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, song muốn để dân hiểu, dân tin thì phải có thông tin đúng đắn".
Để đẩy lùi thông tin xấu, cùng với các cơ quan báo chí chính thống thì các hệ thống thông tin khác cũng cần vào cuộc. PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm về việc nên cân nhắc để có những trang thông tin chính thống của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Đây sẽ là một kênh giúp đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, đồng thời cũng là nơi trực diện đấu tranh, phản bác những thông tin bịa đặt, vạch mặt các trang mạo danh lãnh đạo. “Tôi sang Áo, thấy Thủ tướng Áo cũng có facebook riêng. Tìm hiểu thì được biết, facebook được Thủ tướng chỉ đạo, giao cho Văn phòng Thủ tướng với 4 chuyên gia trực tiếp thực hiện nội dung, có người viết bài, có người trả lời comment, nghĩa là họ có cơ chế, cách làm rất rõ. Nếu chúng ta áp dụng thì cũng là cách làm tốt nhưng phải nghiên cứu, tổ chức chặt chẽ, tránh tình trạng nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay cũng có trang web rồi nhưng thông tin lại sơ sài, để “hoang hóa” thì cũng là một biểu hiện xa dân".
Đứng ở góc độ một người đọc và cũng là một người yêu thích mạng xã hội, TS Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hãng Hàng không Hải Âu, chia sẻ: “Các cơ quan công quyền ở nhiều nước, từ quốc hội đến chính phủ, đến các bộ đều chủ động tham gia các mạng xã hội và làm mạnh truyền thông mạng xã hội. Họ cũng sử dụng hiệu quả mạng xã hội để tương tác ngược lại với cộng đồng, với từng người dân, cung cấp các thông tin tin cậy, bác bỏ các thông tin sai trái, vu khống tổ chức và cá nhân, giải tỏa các băn khoăn, thắc mắc của người dân. Khi xảy ra vụ bạo loạn của một số công nhân Ấn Độ tại Xin-ga-po vào cuối năm 2013, qua mạng xã hội, ông Lý Hiển Long khẳng định rõ phần lớn người lao động nước ngoài tuân thủ luật pháp Xin-ga-po và kêu gọi người dân Xin-ga-po kiềm chế, thông điệp quan trọng đó đến được với hàng triệu người dân Xin-ga-po nhanh và rộng hơn cả kênh báo chí truyền thống”. Theo TS Lương Hoài Nam, đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo ở nước ta cũng có thể tham khảo, vận dụng.
Là một bạn đọc trung thành của nhiều tờ báo điện tử lớn trong nước, anh Karel Phùng, một doanh nhân đang làm việc ở Đức, cho biết, anh khá hiểu âm mưu của các thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam nên luôn kiểm chứng thông tin mạng và thông tin báo chí chính thống trong nước. Anh khuyên bạn đọc nên tỉnh táo, không mất thời gian với loại thông tin bịa đặt. “Lập các trang web, trang blog, kích động người dân, xuyên tạc nhằm chia rẽ nội bộ Việt Nam, giả là người trong nước để lên tiếng chỉ trích tất cả. Nếu dám công khai đấu tranh thì hãy thừa nhận mình là ai để chứng minh cho thiên hạ thấy rằng mình nói đúng! Đừng núp trong bóng tối để làm bậy” - anh Karel Phùng lên tiếng.
NGUYÊN MINH, HỒNG HẢI, NGUYỄN HÒA, NGUYÊN THẮNG, TIẾN DŨNG, HOÀNG TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét