Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Tự do tôn giáo ở Việt Nam - những cái nhìn gần

QĐND - 1. Một ngày chủ nhật, nhận được email của một người bạn Anh dễ có đến hơn mươi năm quen biết. Bức thư không dài, vỏn vẹn vài dòng hỏi thăm, nhưng lại khiến người nhận chú ý, bởi chỉ một câu của tác giả: “Việt Nam đã trở thành nơi không thể nào quên và không bao giờ hết nhớ đối với tôi”. 85 tuổi, gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Len A-đi-xơ (Len Aldis) là một cái tên quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Mà Việt Nam cũng quen thuộc với ông đến mức, nhắm mắt Len cũng đếm được từng bước chuyển mình của đất nước này. Trong email, Len chỉ nhắn, nếu ông có cơ hội thăm Việt Nam lần nữa, thì nhớ dẫn ông đi dạo một vòng Hà Nội. Vậy là lại nhớ vào một chủ nhật nào đấy, năm mà Len đến Việt Nam gần đây, qua khách sạn trên phố Bảo Khánh gần Hồ Gươm chở ông đi dạo, Len nói chở ông đi thăm nhà thờ. Định đưa ông ra Nhà Thờ Lớn ở gần đấy cho tiện, nhưng Len nhất quyết muốn ra Nhà thờ Cửa Bắc để nghe một buổi giảng đạo và ngắm giáo dân Hà thành đi lễ, bởi đơn giản là các nhà thờ khác ông đi rồi. Đáng ngạc nhiên là Len có thể nhớ được hầu hết các nhà thờ ở Hà Nội. Có lẽ là như lời Len nói, một phần cũng bởi vì ông chưa bao giờ thôi hết ngạc nhiên và khâm phục khả năng gìn giữ và bảo tồn các kiến trúc nhà thờ ở Việt Nam.
Bức thư điện tử của Len gợi nhớ đến một người bạn vong niên khác của Việt Nam, ông An-đrê Xau-va-giốt (Andre Sauvageot), cựu đại tá quân đội Mỹ đã từng có “thâm niên” 40 năm “quen biết” Việt Nam và 20 năm sống ở mảnh đất này. Ông cũng là một trong những người Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam với vai trò của một doanh nhân sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Ngần ấy năm sống ở Việt Nam đã cho Xau-va-giốt cơ hội đi từ Bắc tới Nam, sống và chứng kiến Việt Nam từng bước “thay da đổi thịt” trở thành một quốc gia ngày càng phát triển. Hai thập kỷ đó cũng giúp cho Xau-va-giốt có kha khá bạn bè người Việt. Xau-va-giốt từng kể, trong số các bạn bè của ông có rất nhiều người là giáo sĩ (chủ yếu theo Thiên Chúa giáo), linh mục, tăng ni, phật tử… Những người bạn này rất trung thành với tôn giáo của mình và họ cũng tự thấy mình hoàn toàn được tự do tín ngưỡng, tham dự các lễ mỗi tuần. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, Xau-va-giốt đã khẳng định: “Không có giáo dân, giáo sĩ, linh mục, sư sãi nào gặp khó khăn chỉ vì tham dự hay tổ chức lễ lạt tôn giáo, giải thích tư tưởng của các giáo chủ hay thánh nhân sáng lập đạo, miễn là không có hành vi vi hiến hay bất hợp pháp mà thôi”.
 2. Thực tế ở Việt Nam, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân Việt Nam hoàn toàn tự nguyện, tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào, không bị ép buộc, cấm đoán. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo. 
Người dân đi lễ ở chùa Quán Sứ ngày Mồng Hai Tết Ất Mùi. Ảnh: VOV
Ở Việt Nam, ngày càng có thêm nhiều tổ chức tôn giáo được công nhận và hoạt động. Số lượng các tín đồ tôn giáo tăng nhanh. Các cơ sở thờ tự liên tục được xây dựng, mở mang, tạo điều kiện cho sinh hoạt tôn giáo. Cho đến nay, theo thống kê  có  tới 95% số dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó hơn 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (chiếm khoảng 27% dân số). Trên cả nước, có 26.387 cơ sở thờ tự gồm chùa, đền thờ, nhà thờ và các nơi thờ tự khác. Hoạt động in ấn, phát hành kinh sách được xuất bản tự do theo nhu cầu của các tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Các hoạt động đối ngoại về tôn giáo ngày càng được đẩy mạnh… Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo,... qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc thể chế hóa trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, phù hợp với các công ước và luật pháp quốc tế, phù hợp với thực tiễn của tôn giáo ở Việt Nam, cũng như tôn trọng quan hệ của các tổ chức tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo thế giới. Quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa Nhà nước Việt Nam với Va-ti-căng trong những năm gần đây có thể minh chứng cho điều này.
Có thể nói, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay.
Mục sư Ân Ước, Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam (Tin lành miền Nam), trong cuộc gặp mặt hôm 9-3 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột cho biết, với sự đầu tư của Nhà nước, bà con các dân tộc Tây Nguyên cũng như bà con đạo Tin lành đã ổn định đời sống, thuận lợi trong sinh hoạt tín ngưỡng, yên tâm phát triển kinh tế. Được tự do hoạt động cũng là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bản, Giáo vụ Giáo phận Buôn Ma Thuột. Ông Bản cho rằng, sự phối hợp tốt giữa giáo hội với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo cho những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người có đạo phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và hội nhập quốc tế. “Đã có sự thông suốt về chính sách tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, và chính quyền cũng thấy rõ tôn giáo là một bộ phận xây dựng sự ổn định và phát triển của xã hội. Khi ở địa phương có những vấn đề gì mà giáo dân của tôi bức xúc, chúng tôi trao đổi ngay với Ban tôn giáo của tỉnh, nhờ thế mà tôi thấy trong giáo phận của tôi ở Đắc Lắc, Đắc Nông cũng như Bình Phước, bà con giáo dân  rất phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Bản nói. 
Theo Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, đồng bào là giáo dân của các tôn giáo có thể vừa tự do theo tín ngưỡng của mình, vừa thực hiện tốt trách nhiệm công dân. “Tôi nghĩ rằng các tôn giáo chúng ta lấy tinh thần đoàn kết, lấy tinh thần hòa hợp làm chính và điều này thì Phật giáo Việt Nam đã làm được. Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao chúng ta thể hiện tinh thần của một người dân đối với Tổ quốc, đối với đất nước; dù là tôn giáo nào nhưng chúng ta sống trên mảnh đất này, chúng ta được sinh ra và lớn trên mảnh đất yêu thương của dân tộc, thì bổn phận và trách nhiệm của chúng ta phải cống hiến tất cả cho Tổ quốc, cho dân tộc”, Thượng tọa Thích Huệ Thông nói.
Một thực tế nữa là các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế nhiều lần tới làm việc và khảo sát thực tế ở Việt Nam đã thừa nhận việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng của LHQ, ông Hai-nơ Bây-le-phin (Heiner Beilefeldt), người có thời gian đến Việt Nam tìm hiểu tình hình thực tế về tự do tôn giáo, trong báo cáo trình bày trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 11-3 vừa qua đã đánh giá cao sự hợp tác và tạo điều kiện của các cơ quan trong suốt thời gian chuyến thăm; ghi nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là sự phát triển về số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo cũng như các cơ sở thờ tự tại khắp các tỉnh trong những năm vừa qua. Mặc dù còn tồn tại một số khó khăn nhưng nhìn chung các cộng đồng tôn giáo trong nước đã có nhiều không gian để thực hành tôn giáo.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016). Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. Đó cũng là những minh chứng mới nhất, rõ nhất cho thấy các tôn giáo của Việt Nam tự do, bình đẳng và cùng phát triển trong một đất nước hòa bình, hội nhập.
 3. Còn nhớ, An-đrê Xau-va-giốt cũng từng giải thích về vấn đề tự do tôn giáo theo góc nhìn chính trị rất thú vị. Ông nói rằng, không một chính quyền nào muốn duy trì sự lãnh đạo của mình mà lại đi đàn áp tôn giáo; làm thế chẳng khác nào tự thiêu sống mình. Phương Tây dường như là một ví dụ rõ ràng nhất. Cách đối xử không công bằng của Mỹ và phương Tây với đạo Hồi cách đây một vài thập niên đã là một trong những nguyên cớ tạo nên hiện tượng khủng bố cực đoan ghê rợn mà hiện thân là Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo IS hiện nay. Giờ đây, phương Tây đã phải chi cả núi tiền cho cuộc chiến chống khủng bố. Chẳng có mấy nước lại dại dột đi đàn áp tôn giáo để rước họa vào thân.
 Như thế, lại tự vấn rằng, những người cả đời mới đến Việt Nam được có một lần, thậm chí có người chưa từng đến, cũng chưa hình dung thực tế đất nước ấy ra sao, dựa vào đâu mà phê phán và đưa ra những nhận xét thiếu tích cực về tình hình tôn giáo ở Việt Nam?! Hoặc là ăn ốc nói mò, hoặc biết rõ thực tế, nhưng vì những mục đích đen tối nào đấy mà bịa tạc, vu cáo !
KIỀU TRỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét