Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018

CHUYỆN KHÔNG THỂ KHÔNG NÓI





1. Trên các trang mạng gần đây, ông N.K.M có bài viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã đái vào chủ nghĩa Mác”. Ông dùng từ hết sức thô lỗ, “đái” để “câu khách” và muốn làm chuyện giật gân với thiên hạ. Ông lấy cái cớ tự do báo chí để phản đối Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua. Ông viết: “Thông qua Luật An ninh mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đái vào chủ nghĩa Mác, bởi tự do báo chí là một nội dung quan trọng trong tư tưởng của C.Mác”. Ông coi Luật An ninh mạng như một thứ luật kiểm duyệt, không thể chấp nhận được. Rồi ông trích dẫn một loạt câu của C.Mác để minh chứng cho vấn đề này, như câu: “Tệ lớn nhất, tệ giả dối gắn liền với báo chí bị kiểm duyệt… Điều đó dẫn đến cái gì? Chính phủ (đảng – N.K.M thêm) chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó. Chế độ kiểm duyệt bóp chết tinh thần quốc gia như thế đó” (Câu này, ông trích trong C. Mác -  Ph. Ăngghen: Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 102). Tôi (Đ.Đ.V) chưa có thời gian để xem lại các câu ông trích từ sách của C.Mác có đúng không, nhưng ông có một lầm lẫn rất đáng tiếc, chứng tỏ ông chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Mác. Những câu ông trích từ sách của C.Mác nếu có thật đi chăng nữa, thì C.Mác nói về tình cảnh báo chí dưới chủ nghĩa tư bản, chứ không phải chỉ vào báo chí dưới chủ nghĩa xã hội. Thời C.Mác sống, chưa có đảng cộng sản, chưa có nhà nước xã hội chủ nghĩa trên thực tế, mới chỉ có Liên đoàn những người cộng sản, cho nên vấn đề mà C. Mác viết, nói là ám chỉ báo chí dưới chủ nghĩa tư bản, chứ không phải ám chỉ báo chí dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mà ông N.K.M đã lầm lẫn.
      Thời C.Mác sống, báo chí bị nhà cầm quyền tư sản kiểm duyệt cực kỳ gắt gao, mất hẳn tự do dân chủ với đúng nghĩa của nó. Đã có nhiều bài báo do C.Mác viết đều không được đăng. Nhiều bài báo của C.Mác thể hiện tư tưởng tiến bộ rõ rệt, gửi đăng tại tờ báo tư sản “Presse”, nhưng đều bị kiểm duyệt gắt gao và bị từ chối thẳng thừng mà không cần cho biết lý do. Cuối năm 1861, C.Mác nhận ra rằng, một loạt bài báo do ông gửi đi đã không được đăng. Trong thư gửi cho Ph.Ăngghen, ngày 27-12-1861, C.Mác phàn nàn: “Tờ Presse ghẻ lở không đăng đến một nửa tổng số những bài báo của tôi”. Đặc biệt, tờ Presse đã không đăng một số bài của C.Mác viết về cuộc chính phục Mêhicô của các nước Pháp, Anh và Tây Ban Nha, công phẫn lên án chính sách thực dân ăn cướp của các cường quốc châu Âu. Năm 1862, Ban Biên tập tờ  Presse chỉ đăng “nhỏ giọt” những bài báo của C.Mác. Nhiều bài bị cắt xén đến thảm hại. Họ dùng kính núp để soi từng bài viết của C.Mác. Trước ngày khai mạc cuộc triển lãm công nghiệp toàn thế giới lần thứ nhất ở Luân Đôn, Vương quốc Anh trong năm 1862, Frítlenđơ, người phụ trách báo chí của cuộc triển lãm đã cố giới hạn đề tài của C.Mác, chỉ cho C.Mác viết những vấn đề liên quan tới cuộc triển lãm thôi, mà không được phép sa vào chính trị. Về những vấn đề khác, người ta đề nghị C.Mác mỗi tuần gửi nhiều nhất là một bài. Ý đồ đó của Ban Biên tập đã dẫn tới chỗ từ tháng 12-1862, C.Mác thôi không thể viết và cộng tác với tờ Presse nữa.
      Từ mùa xuân năm 1861, xảy ra cuộc nội chiến ở nước Mỹ đã thu hút sự chú ý của C.Mác và Ph.Ăngghen. Trước đó, vào năm 1860, Abram Lincôn, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, được bầu làm Tổng thống. Ông là người chống lại chế độ nô lệ của người da đen ở Mỹ, cho rằng, cần giới hạn địa hạt áp dụng chế độ đó. Sự kiện này đã thúc đẩy bọn chủ nô, chủ đồn điền ở miền Nam nước Mỹ bước lên con đường công khai nổi loạn. Các bang ở miền Nam nước Mỹ lần lượt tuyên bố tách ra khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - tức ly khai, khỏi Liên bang Mỹ. Ngày 4-2-1861, những đại biểu của các bang ly khai thành lập một Liên minh miền Nam riêng rẽ. Ngày 12-4-1861, quân phiến loạn mở đầu chiến sự chống lại các lực lượng vũ trang của Liên bang. Cuộc nội chiến ở Mỹ bắt đầu với một quy mô chưa từng thấy, kéo dài đến tháng 4-1865. C.Mác coi cuộc nội chiến ở Mỹ là một sự kiện có ý nghĩa toàn thế giới. Ông đã viết nhiều bài về sự kiện này, nhưng đều bị nhà cầm quyền kiểm duyệt rất gắt gao khi ông gửi bài xin đăng trên tờ New York Daily Tribune, một tờ báo mà ông cộng tác đã nhiều năm. Cuối cùng, ông cũng phải chấm dứt cộng tác với tờ New York Daily Tribune, khi Ban Biên tập của tờ báo này đề nghị ông tạm ngừng công tác cộng tác viên. Đến tháng 3-1862, C.Mác đã phải chấm dứt hẳn quan hệ với tờ New York Daily Tribune. Việc đình chỉ công tác cộng tác viên cho tờ New York Daily Tribune cũng như với tờ Presse, lại đặt C.Mác vào tình trạng hết sức nguy kịch về tài chính. Ông phải tất tả chạy ngược chạy xuôi, lần hồi kiểm miếng cơm manh áo.
      Còn rất nhiều sự kiện khác nói về tình cảnh báo chí dưới chế độ tư bản mà C.Mác đã phải trải qua, và có lúc phải kêu trời về sự kiểm duyệt cực kỳ khắt khe của nhà chức trách. C.Mác đã phê phán gay gắt chế độ báo chí dưới chủ nghĩa tư bản, họ đã tước hết quyền tự do báo chí và luôn luôn đặt “cây thòng lọng” vào cổ các nhà báo. Ông N.K.M đã không thấu hiểu điều này, cho nên từ chỗ C.Mác chĩa vào chủ nghĩa tư bản mà phê phán, ông lại quay sang đánh tráo chĩa vào báo chí dưới chủ nghĩa xã hội.
      2. Vấn đề kiểm duyệt báo chí gay gắt dưới chế độ thực dân và đế quóc còn được thể hiện trong nhiều bài viết của Nguyễn Ái Quốc, trong đó có tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản đầu tiên tại Paris năm 1925.  Trong tác phẩm này, Người đã dành hẳn một chương (Chương IX) phân tích về chính sách ngu dân của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Người viết:
      “Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lọt dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để.
      Cho nên, theo Sắc lệnh năm 1898, báo chí bản xứ phải chịu kiểm duyệt trước khi in.
      Sắc lệnh đó viết: Việc lưu hành báo chí bất cứ bằng thứ tiếng gì, đều có thể bị cấm do nghị định của quan toàn quyền. Báo tiếng Việt không được xuất bản nếu không được phép của quan toàn quyền. Giấy phép chỉ cấp với điều kiện là các bài báo phải được quan thống đốc duyệt trước. Giấy phép ấy có thể rút lúc nào cũng được.
      Mọi cuộc trưng bày hoặc phổ biến những bài hát, biếm họa hoặc tranh ảnh làm thương tổn đến sự tôn kính đối với các nhà cầm quyền đều được trừng trị.
      Đấy, bạn thấy bài kiểm duyệt ở thuộc địa cầm kéo khéo đến mức nào!
      Với biện pháp đó, chính quyền Đông Dương có thể ỉm được tất cả mọi vụ nhơ nhớp và tha hồ mà lạm quyền”.
      (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr. 97).
      Qua những đoạn viết trên của Nguyễn Ái Quốc, ông N.K.M có thể hình dung chế độ hà khắc của báo chí thực dân, đế quốc biết nhường nào. Dưới chế độ thực dân, đế quốc, báo chí không có chuyện được tự do đâu, hỡi ông N.K.M!
      Nguyễn Ái Quốc có lần kể lại, trong một cuộc bầu cử hội đồng thành phố Sài Gòn, viên thống đốc gặp ba ông chủ nhiệm báo tiếng Việt không được đăng lên báo của họ bản sắc lệnh quy định thể lệ bầu cử hội đồng thành phố ở Nam Kỳ. Họ là ứng cử viên, thế mà báo chí của họ bị cấm tuyệt không được đăng một cái gì dính dáng, dù xa hay gần, đến chương trình của họ. Vì ở Việt Nam, dưới chế độ thực dân, không có quyền hội họp quá 20 người, nên ứng cử viên phải gặp 3 nghìn cử tri lần lượt từng người một. Rồi viên thống đốc còn thông tri cho các tờ báo tiếng Việt khác biết là sở kiểm duyệt sẽ thẳng tay cắt xén những bài báo đăng bất cứ một lời bóng gió nào đụng chạm đến nhà cầm quyền thực dân, đụng chạm đến cuộc bầu cử ở thuộc địa. Một tờ báo tiếng Việt dịch đăng đạo luật nói về việc trừng trị những hành động hối lộ trong bầu cử, bài ấy đã bị cắt.
      Bàn tay bỉ ổi của kiểm duyệt dưới chế độ thực dân không dừng lại ở các xuất bản phẩm tiếng Việt, mà còn rờ mó cả vào thư từ riêng và các tờ báo tiếng Pháp không chịu ca tụng đức độ của các “cụ lớn” thuộc địa. “Sở Bưu điện và Sở Mật thám Nam Kỳ (Giám đốc Sở này là con rể Toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô) đã nhận được lệnh không để lọt – bất cứ với lý do gì – những thư từ, bài vở, v.v. gửi cho báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản ở Paris mà Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập, hoặc tờ báo ấy gửi về (Đông Dương). Một người Mangát nguyên là lính tình nguyện tham gia đại chiến trong quân đội Pháp và có vợ người Pháp, đã bị trục xuất khỏi Tổ quốc của anh và bị kết án 5 năm tù đày biệt xứ, chỉ vì đã viết một bài báo cho tờ Le Paria và vài tờ báo khác ở Pháp, để tố cáo những sự nhũng lạm của bọn quan cai trị Pháp ở xứ sở anh” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr. 98). Nguyễn Ái Quốc kết luận:
      Làm cho dân ngu để dễ trị, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất”.
      (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 2, tr. 99).
     Có thể kể ra đây vô số trường hợp mà Nguyễn Ái Quóc đã tố cáo chế độ thực dân, đế quốc đè đầu cưỡi cổ lên nền báo chí thời Đông Pháp. Hàng trăm, hàng nghìn nhà báo Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Nguyễn, một nhà báo cách mạng nổi tiếng, sống dưới chế độ thực dân, đế quốc phải chịu cảnh tù đày, tra tấn, đánh đập đã man, chỉ vì dám nói lên tiếng nói của chân lý và công lý. Ông N.K.M có hiểu điều đó chăng, mà lại cứ chĩa mũi nhòn vào đả kích chế độ báo chí dưới chế độ dân chủ, cộng hòa.
      3. Nên hiểu về tự do báo chí sao cho đúng?  Nói đến tự do báo chí là nói đến tinh thần báo chí. Tự do báo chí ở đây không có nghĩa là tự do vô chính phủ về báo chí, muốn viết gì thì viết, muốn làm nhục ai thì làm nhục, muốn dựng đứng những câu chuyện không có thật để làm mất danh dự của người khác, xúc phạm đến nhân phẩm con người, mà là thứ tự do trong giới hạn và nó phải được gắn với luật pháp. Bóc tách tự do, dân chủ ra khỏi luật pháp là một thứ tự do ngoài vòng pháp luật. Chủ nghĩa dân tộc đã phá vỡ mọi thứ, trong lúc thế giới đang chao đảo về kinh tế và chính trị. Công nghệ càng phát triển, con người càng phụ thuộc lẫn nhau. Nhưng những con người cố chấp lại cố bới chuyện, soi mói, đả kích một cách dã man vào chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một chính thể được xây dựng trên nền tảng liên minh công nông vững chắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuốn sách “Tư duy như một hệ thống”, tác giả David Bohm bình luận rằng, tự do, dân chủ không có nghĩa là “thích làm gì thì làm”. Trong sách “Bàn về khế ước xã hội” (Du Contrat social), tác giả Jean Jacque Rousseau bình luận: “Nếu hiểu thuật ngữ “dân chủ” một cách thật chuẩn mực, thì ta sẽ thấy từ trước chưa bao giờ có dân chủ, và sau này cũng sẽ không bao giờ có dân chủ thật sự… ta không thể tưởng tượng rằng cả dân tộc luôn luôn họp lại để bàn cãi liên miên về công việc chung”. Tự do báo chí cũng như tự do dân chủ đều có giới hạn của nó và nhất thiết phải gắn với luật pháp và phải trung thực với lịch sử, với sự kiện mà mình tung ra trên mặt báo. Nếu sự kiện mà mình tung ra không trung thực, thì sự kiện ấy chỉ là một bóng ma. Vu cáo một cách vô căn cứ để xúc phạm đến người khác, là lối tự do dân chủ phản động và không thể chấp nhận được.
      Gần đây, trên các trang mạng, những người khác chính kiến thi nhau lên án, buộc tội Luật An ninh mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5, thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Qua nghiên cứu, tôi thấy đây là Luật được soạn thảo công phu và ban hành trong lúc này là cần thiết, vì tình hình trong lúc này (kể cả an ninh mạng) đang rất phức tạp, do sự chống phá quyết liệt của những người thù địch với chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa bảo đảm tính dân chủ, vừa bảo đảm tính pháp lý, như Khoản 3, Điều 2, đã viết: “Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng”; đồng thời, như Điểm I, Khoản 1, Điều 5 đã ghi rõ: “Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa tự do dân chủ với luật pháp. Điều 6 của Luật An ninh mạng về bảo vệ không gian mạng quốc gia, cùng ghi rõ: “Nhà nước áp dụng các biện pháp để bảo vệ không gian mạng quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân trên không gian mạng” và Điều 16 về phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.
      Tuy nhiên, theo tôi, đây mới chỉ là Luật An ninh mạng, chứ chưa phải Luật Mạng. Luật Mạng có đến hàng trăm tình tiết về vấn đề mạng và an ninh mạng. Vấn đề khó nhất hiện nay là nhiều máy chủ đặt ở nước ngoài, ta không xử lý được.
      Luật An ninh mạng có tất cả 7 chương và 43 điều, là “thanh bảo kiếm” bảo vệ an toàn những vấn đề trên mạng; ghi rõ chính sách của Nhà nước về an ninh mạng; nguyên tắc bảo vệ an nình mạng; biện pháp bảo vệ an ninh mạng; việc bảo vệ không gian mạng quốc gia; hợp tác quốc tế về an ninh mạng; nêu các điều, khoản các về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng; xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng; vấn đề bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề phòng, chống tấn công mạng và khủng bố mạng; nêu rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng.
      Vấn đề an ninh mạng đang là vấn đề hai mặt, không chỉ riêng của Việt Nam, mà đang trong phạm vi toàn cầu trên phương diện kinh tế - tài chính và thông tin đại chúng. Nhiệm vụ của chúng ta là khai thác những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực trên mạng. Theo tôi, thì trên mạng mặt tốt nhiều hơn mặt xấu. Nếu không có internet thì làm sao mà chúng ta biết được thông tin toàn cầu, làm sao mà ngồi trong phòng 20 m2 chúng ta lại biết được toàn thế giới. Ai đó chỉ nhăm nhăm khai thác mặt xấu mà không biết khai thác mặt tốt trên mạng, là người không thiện chí. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cảnh giác đề phòng những kẻ dã tâm tấn công vào mạng của Việt Nam và của các nước khác, gây mất an ninh quốc gia, thiệt hai kinh tế - tài chính, trở thành nỗi lo âu “canh cánh bên lòng”.
     Luật An ninh mạng ra đời là một trong những công cụ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.
     Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không cho phép bất cứ ai lợi dụng mạng để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
     Chúng ta hãy đưa Luật An mạng vào cuộc sống!
   
 Đàm

1 nhận xét:

  1. Theo tôi được biết thì trên thế giới 138 quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng. Tuy khác nhau về tên gọi, nhưng nội dung chính của Luật An ninh mạng của các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường mạng Internet. Do đó Luật An ninh mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5, thông qua ngày 12-6-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 theo tôi thấy là hoàn toàn hợp lí.

    Trả lờiXóa