Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Sự thật - Đâu dễ bị lừa!





Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực mà tất cả mọi người đều quan tâm, bởi nhà nào cũng có con cháu đi học, và liên quan đến chủ trương, nội dung chương trình, sách giáo khoa của ngành giáo dục thì hầu như luôn có nhiều ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái chiều, âu cũng là nhẽ thường. Tuy nhiên cách thể hiện chính kiến, ý kiến của mình, nhất là chia sẻ trên các trang mạng xã hội cũng cần đúng mức, không nên lấy việc chẳng liên quan gì mà lồng ghép để đưa người đọc chuyển sang hướng khác, rất dễ bị nhầm tưởng.
Ví như bài viết “Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị “ném đá” vì chúng ta sống ngoài nhân loại đã quá lâu rồi” trên trang báo Tiếng Dân của tác giả Lê Phú Khải, có viết rằng: “Giáo sư Hồ Ngọc Đại là một trí thức lớn… theo đuổi chí lớn đó cho đến hôm nay và sách Tiếng Việt lớp 1 của ông đã ra đời và được chấp nhận… Đã hơn 70 năm nay, từ khi Đảng Cộng Sản cầm quyền thì sách giáo khoa tuyệt đối do nhà nước soạn và in bán lấy tiền… việc được in giáo khoa là việc tầy trời, vì độc quyền in cả triệu, triệu cuốn sách như thế là món lời khổng lồ. Dính đến chuyện in sách giáo khoa là dính đến các nhóm lợi ích..Ngay chế độ Sài Gòn cũ, cũng đã có tự do soạn sách giáo khoa và tự do dậy theo sách mình chọn…Muốn cải cách giáo dục thì trước hết phải cải cách trước tiên cái thể chế...Hãy chấm dứt ngay cuộc tranh luận này vì tiền Trung Quốc sẽ tràn ngập biên giới Việt Nam…”
Đọc nội dung phần đầu bài viết của tác giả Lê Phú Khải có vẻ như rất hợp lý, rất thời sự, song càng đọc càng thấy có vấn đề. Cho dù tôi không phải là ông nọ, bà kia gì cả nhưng xem ra cũng cần phải chia sẻ cùng mọi người thấy rõ hơn thực chất vấn đề mà chính tác giả đề cập.
Tôi vẫn nhớ như in, vào những năm sau giải phóng, điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn vì phải khắc phục hậu quả chiến tranh, do đó nền giáo dục của chúng ta cũng nằm trong điều kiện khó khăn đó; tuy nhiên Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương cải cách giáo dục, trong đó xem xét thay thế hệ thống phổ thông 12 năm ở miền Nam và hệ thống 10 năm ở miền Bắc bằng một hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm mới thống nhất. Nhiều trường đại học chuyên ngành được xây dựng và phát triển. Cuộc cải cách giáo dục được triển khai bắt đầu từ năm học 1981-1982; đồng thời thay sách giáo khoa ở các cấp học phổ thông, tạo ra sự thống nhất về giáo dục phổ thông trong cả nước. Riêng về nội dung giáo dục, so với các chương trình giảng dạy và học tập trước đó, chương trình cải cách mang nhiều yếu tố hiện đại hơn.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện hội nhập quốc tế, nhà nước ta thực hiện chủ trương đổi mới chương trình - sách giáo khoa, tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục TV1-CNGD của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã được đưa vào một số nhà trường.
Đây là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS. TSKH Hồ Ngọc Đại và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội; căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm ở một số cơ sở giáo dục từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017, cùng với kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định Tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Quan điểm của nhà nước ta là Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, do đó tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người phản đối phương pháp giáo dục Công nghệ giáo dục. Cao điểm là gần đây, một clip đánh vần bằng ô vuông và hình tròn của giáo viên được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người phản đối kịch liệt. Song vì họ đã hiểu nhầm về phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại.
Việc in sách giáo khoa từ xưa tới nay cơ bản do một số nhà xuất bản thực hiện, song số lượng phần lớn do Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện chứ không hề có sự độc quyền của nhà nước về vấn đề này.
Trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa là điểm chốt quan trọng, vì vậy một hội đồng biên soạn chương trình sẽ được thành lập với nhiều giáo sư, tiến sĩ ở những lĩnh vực khác nhau chia ra thành nhiều tiểu ban phụ trách việc biên soạn chương trình. Mỗi tiểu ban sẽ chịu trách nhiệm viết chương trình cho một môn học cụ thể. Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được biên soạn xong phải trải qua thẩm định của hội đồng Thẩm định quốc gia với nhiều thành phần khác nhau. Các thành viên trong hội đồng biên soạn chương trình sẽ không có mặt trong hội đồng thẩm định để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Sau khi chương trình được thông qua, Bộ GD&ĐT sẽ chọn tổng chủ biên, nhóm chủ biên. Từ sự giới thiệu của các cơ quan liên quan, nhóm tổng chủ biên và chủ biên sẽ lựa chọn tác giả và phân công việc biên soạn sách giáo khoa từng cấp cho từng nhóm tác giả. Sau khi hoàn thành công tác biên soạn sách giáo khoa, sẽ có một hội đồng thẩm định kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thông qua và đưa sách đi dạy thử nghiệm. Điểm mới của lần này là công tác thí điểm sách giáo khoa sẽ được thực hiện song song cùng với giai đoạn viết sách. Nghĩa là vừa viết sách giáo khoa, vừa thử nghiệm để chỉnh sửa, bổ sung, khi hoàn thành sẽ triển khai đại trà.
 Để triển khai nhiều bộ sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đưa ra chủ trương, khuyến khích các tổ chức cá nhân và Bộ chỉ làm công tác quản lý, đưa ra bộ tiêu chí và xúc tiến việc thành lập Hội đồng. Việc chuẩn bị viết sách giáo khoa và in ấn là tuỳ các nhà xuất bản, tuỳ các tổ chức cá nhân. Thời gian tới, khi Bộ GD&ĐT ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học, lúc đó Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định các loại tài liệu và coi đó với tư cách là sách giáo khoa để áp dụng theo chương trình giáo dục mới. Khi đó tài liệu TV1-CNGD cũng như các bộ sách giáo khoa khác sẽ bình đẳng như nhau. Sau khi thẩm định, nếu đạt được các tiêu chuẩn và mục tiêu yêu cầu giáo dục mới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các danh mục để nhà trường ở các địa phương lựa chọn.
Vì thế không có lợi ích nhóm trong việc in sách hay viết sách, mà với mục tiêu tất cả vì lợi ích của học sinh. Đồng thời chúng ta mà không đổi mới thì cứ chấp nhận sự bình yên, năm nào cũng giống năm nào, nhưng khi chúng ta thực hiện đổi mới thì lại gợn lên và thậm chí có cả “bão” dư luận. Trong thực tế, khi bất kỳ đổi mới nào thì luôn luôn gặp không ít những băn khoăn, khó khăn và những cản trở, và tất nhiên không thể tránh khỏi các ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang trên đà hội nhập sâu rộng, nếu chỉ với những thông tin về một vụ việc như đổi mới cách dạy học cho học sinh lớp 1, rồi đến việc in sách, mà tác giả Lê Phú Khải viện dẫn ở trên rồi quy chụp rằng “…Dính đến chuyện in sách giáo khoa là dính đến các nhóm lợi ích...” và khen ngợi, ca tụng chế độ cũ rằng “…Ngay chế độ Sài Gòn cũ, cũng đã có tự do soạn sách giáo khoa và tự do dậy theo sách mình chọn…” mà chúng ta lại tin ngay thì nguy hiểm quá, trong khi đó trên thực tế thì đâu phải như vậy, rõ ràng thời kỳ đó cũng chỉ có bộ sách giáo khoa của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa, do Trung tâm học liệu xuất bản, không hề đúng như thông tin tác giả viện dẫn ở trên. Đã vậy tác giả lại lồng vấn đề chính trị để dẫn dắt người đọc chuyển hẳn sang mục tiêu cải cách thể chế, nghĩa là nghi ngờ chế độ, nghi ngờ thể chế của Đảng, Nhà nước ta, thoạt đầu nghe có vẻ nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng tác giả lại dẫn câu chuyện bằng thông tin “…Hãy chấm dứt ngay cuộc tranh luận này vì tiền Trung Quốc sẽ tràn ngập biên giới Việt Nam…”. Điều đó cho thấy tác giả đưa thông tin mà không có sự logic nào với những nội dung ở trên, mà đằng sau đó là ý đồ của tác giả muốn dẫn cộng đồng mạng theo kiểu giật tít, để gây nghi ngờ về chủ trương chính sách của nhà nước, tạo mâu thuẫn, gây tâm lý bức xúc cho cư dân mạng hòng kéo bè, kết đảng rồi lại đưa ra chiêu bài kích động, lôi kéo dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.
Tôi cho rằng chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những thông tin mà tác giả Lê Phú Khải nêu trong bài viết. Chúng ta có thể bình luận, góp ý, tranh luận thẳng thắn vào những đổi mới của giáo dục, hoặc những vấn đề đổi mới của nhà nước một cách đàng hoàng, đúng pháp luật, tôn trọng thực tiễn, với mục tiêu vì cộng đồng chứ không để bị lợi dụng mà hùa theo những thông tin như tác giả nêu trên. Hãy cẩn trọng và tỉnh táo để không bị dao động các bạn nhé.

1 nhận xét:

  1. Qua bài viết này tôi thấy rằng chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những thông tin mà tác giả Lê Phú Khải nêu trong bài viết. Tác giả đã lồng vấn đề chính trị để dẫn dắt người đọc chuyển hẳn sang mục tiêu cải cách thể chế, nghĩa là nghi ngờ chế độ, nghi ngờ thể chế của Đảng, Nhà nước ta, cuối cùng ý đồ của tác giả muốn dẫn cộng đồng mạng theo kiểu giật tít, để gây nghi ngờ về chủ trương chính sách của nhà nước, tạo mâu thuẫn, gây tâm lý bức xúc cho cư dân mạng hòng kéo bè, kết đảng rồi lại đưa ra chiêu bài kích động, lôi kéo dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

    Trả lờiXóa