Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Thấy gì qua một bức thư gửi TBT?


Đó là bức thư ngỏ của nhà báo Kha Lương Ngãi gửi TBT Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam được đăng tải công khai trên mạng Internet. Và, cũng vì là bức thư ngỏ cho nên cư dân mạng mới đọc được và mới biết được những ý kiến, những quan điểm của tác giả.
Bức thư ngỏ trao đổi nhiều vấn đề, có vấn đề có căn cứ, lập luận, có vấn đề không có căn cứ, không có cơ sở.
Trước tiên, tác giả tỏ rõ quan tâm đến tình hình đất nước, tình hình nội bộ lãnh đạo của ĐCSVN, biểu hiện tinh thần yêu nước, tự trọng dân tộc. Đó là điều được đồng tình, đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên có nhận định về tình hình đất nước một cách sai lệch, quá nặng nề, không đúng thực chất, xa lạ với thực tiễn xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta, do vậy đã phơi bày quan điểm và giải pháp không đúng đắn.
Chẳng hạn, tác giả đánh giá “tình hình đất nước đang đi vào bế tắc và bị kéo lùi…” thì không đúng thực tiễn, thậm chí đối lập với tình hình đất nước đang vận động, chuyển mình về phía trước. Nhìn nhận một cách tử tế, có thiện chí thì phải thấy rằng trong một thế giới có cả phát triển và cả biến động khó lường và rất phức tạp, thì vừa qua đất nước ta có nhiều cơ hội mới lẫn nhiều thách thức mới, theo đó nước ta đã và đang vận động theo xu thế tiến bộ, tiến lên phía trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao của khu vực và thế giới, phấn đấu vượt qua nước kém phát triển để đạt trình độ nước đang phát triển có thu nhập trung bình, vượt mức chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo của thiên niên kỉ mà LHQ biểu dương. Nước ta cũng là nước mở cửa hội nhập quốc tế thành công, tham gia ban lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế quan trọng, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Như thế không thể nói “tình hình đất nước đang đi vào bế tắc và bị kéo lùi”. Trái lại, khẳng định con đường đổi mới có nguyên tắc để quá độ dần dần lên Chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn, dẫn đến những thành công, thành tựu đáng kể. Cả những mặt thành công và những mặt chưa thành công thì cũng không phải của cá nhân đời TBT nào mà là công lao lãnh đạo và trách nhiệm của toàn thể đảng viên DCSVN, của toàn thể dân tộc Việt Nam, của mặt trận đại đoàn kết toàn dân gác lại quá khứ nhìn về tương lai.
Tác giả bức thư ngỏ cho rằng thể chế nước ta là độc tài, nay phải “diễn biến, chuyển hóa hòa bình” sang “dân chủ - đa nguyên”. Đây là nhận định không đúng thực chất tình hình, không đúng bản chất thể chế chính trị hiện hành của nước ta. Không phủ nhận rằng có hiện tượng mất dân chủ ở một số địa phương và một số ngành, nhưng nhìn chung trên 30 năm đổi mới thì sinh hoạt xã hội được dân chủ cởi mở hơn nhiều. Nhiều chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước đều được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Nước ta áp dụng cả hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Quốc hội và Mặt trận tổ quốc Việt Nam là phương thức tiêu biểu cho dân chủ đại diện. Sinh hoạt của Quốc hội được công khai hóa. Quốc hội và Mặt trận tổ quốc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát nhà nước và công chức. Những sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành TW mà không thuần tính chất nội bộ, cũng được công khai hóa. Sinh hoạt của hệ thống chính trị theo nguyên tắc tập trung dân chủ (tức quyết định theo đa số, thiểu số phục tùng đa số), sinh hoạt của Mặt trận tổ quốc Việt Nam theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ. Như thế nước ta không theo chế độ độc tài, mà là một nước dân chủ. Nền dân chủ của chúng ta là nền dân chủ có lãnh đạo chứ không phải “vô chính phủ”, lãnh đạo, hướng dẫn để sử dụng quyền dân chủ một cách đúng đắn, không lợi dụng dân chủ để hoạt động chống đối lại lợi ích của nhân dân, chống đối chế độ, lật đổ chính quyền, gây mất trật tự xã hội, mất ổn định chính trị. Vẫn biết rằng nền dân chủ ở nước ta vẫn còn những hạn chế vì nền kinh tế chưa phát triển và trình độ dân trí chưa cao, nhất là dân chủ trong chế độ xã hội chủ nghĩa còn quá mới mẻ, cho nên còn phải luôn luôn tìm tòi, tìm kiếm những hình thức mới của biểu hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn hiện nay nước ta thường thông qua Mặt trận tổ quốc (một tổ chức có các dân tộc, các tôn giáo, các giai cấp, tầng lớp, các cá nhân tiêu biểu, đồng bào sống ở nước ngoài…) để hiệp thương dân chủ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đồng thời vẫn có người tự do ứng cử. Vậy còn có hình thức nào hay hơn, tốt hơn, cao hơn nữa không? Cuộc sống sẽ trả lời dần dần, chúng ta sẽ tìm kiếm dần dần, sáng tỏ dần dần.
Chúng ta xây dựng một chế độ mà ở đó mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Như thế các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều thống nhất vì lợi ích nhân dân và đều thuộc về nhân dân, chứ không có chuyện đối lập nhau, kiềm chế nhau. Nói cách khác, ba quyền đó không phân lập mà là phân công nhau, tránh chồng chéo, trùng lắp, lấy lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc là tối thượng đồng thời coi trọng lợi ích quốc tế chân chính.
Chế độ chính trị nhất nguyên hay đa nguyên, tức chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng là tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước quyết định. Hiện nay trên thế giới có những nước theo chế độ nhất nguyên (một đảng), có những nước theo chế độ đa nguyên (đa đảng). Như thế, trong thực tiễn thế giới, dân chủ không nhất thiết gắn với chế độ đa nguyên đa đảng. Điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta là không có nhu cầu đa đảng.
Ở nước ta trong những năm 1945, 1946 đã từng tồn tại nhiều đảng, nhưng các đảng đối lập đã lộ mặt phản động bán nước khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Và, khi toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện chống thực dân Pháp, thì các đảng phái phản động lần lượt tan rã hoặc chạy trốn sang nước ngoài. Năm 1946 ra đời Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ nhằm tập hợp, đoàn kết lực lượng trí thức và lực lượng công thương để cùng nhau giữ gìn nền độc lập và xây dựng nước nhà. Hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của DCSVN do Hồ Chí Minh đứng đầu, và đã tích cực tham gia cả hai cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ, từ sau 30-4-1975 đã tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa nghĩa hội trên phạm vi cả nước thống nhất. Đến cuối năm 1988, khi công cuộc đổi mới đã được triển khai, đất nước và xã hội nước ta ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân đã lớn mạnh, hai đảng xã hội và dân chủ đã tuyên bố kết thúc nhiệm vụ và tự giải tán. Từ đó nước ta chỉ có duy nhất DCSVN, một đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, một đảng đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng tháng 8 vĩ đại giành độc lập cho nước nhà, làm hai cuộc kháng chiến thần kì thắng lợi. Một đảng như thế đã được nhân dân thừa nhận là lãnh tụ của mình và ghi nhận vào Hiến pháp (tức đạo luật cơ bản của nước nhà) rằng DCSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Như thế DCSVN thực hiện chế độ một đảng duy nhất cầm quyền và lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và bảo vệ tổ quốc là phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Cụm từ “diễn biến, chuyển hóa hòa bình” chính là do các chính khách phương tây đặt ra và muốn áp dụng vào nước ta. Áp dụng chế độ đa nguyên, đa đảng chỉ phù hợp với âm mưu, thủ đoạn của những thế lực thù địch. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương chống lại “diễn biến, chuyển hóa hòa bình” là phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của đa số nhân dân Việt Nam.
21-8-2018
Thành Tâm
https://www.facebook.com/groups/833705650043507/permalink/1982181191862608

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét