Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Không nên “Mượn gió bẻ măng”!



                                    
                                                                      
Đã nhiều ngày qua, xem trên các trang mạng xã hội, dư luận vẫn không ngớt bàn tán, đáng quan tâm hơn có nhiều bài viết về vụ gian lận thi cử của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Tôi và nhiều người cũng có những băn khoăn, song khách quan mà nói, chẳng có ở đâu mà thi cử, học hành lại không có vấn đề gì. Vì vậy chúng ta cũng nên nhìn nhận, đánh giá vấn đề này một cách khách quan, công tâm một chút. Thực tình chẳng ai cấm mình nói, nhưng nói sao cho đúng và trách nhiệm thực sự với cộng đồng mới là vấn đề. Trên thực tế cũng có thể bàn luận, tham góp thêm sáng kiến để cho kỳ thi của quốc gia tốt, hiệu quả hơn cũng chính là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Ngược lại không nên chỉ trích, công kích, suy diễn rồi đưa ra những nhận định không đúng về ngành Giáo dục, hoặc lại nói xấu chế độ, gây bức xúc cho cộng đồng mạng.
Mới đây thôi, đọc bài viết của tác giả Ngô Nhân Dung viết trên trang Chân Trời Mới có đoạn cho rằng: Vụ gian lận thi cử tại tỉnh Hà Giang, lan qua các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn và toàn thể miền Bắc chỉ là một phần nổi cho thấy cảnh thối nát từ gốc rễ của đảng Cộng Sản Việt Nam.”
Xin thưa với tác giả, tôi cũng bức xúc vì tiêu cực thi cử ở mấy tỉnh nhưng không nên đánh đồng rồi quy cho cả miền Bắc đều như vậy. Đưa tin thì cần đưa chính xác, tránh viện dẫn một việc nào đó để rồi quy nạp cho vấn đề khác, dẫn người đọc theo hướng chủ đích của mình, tựa như lợi dụng lòng tin của độc giả để tuyên truyền, nói không đúng sự thật. Ai cũng có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc, nếu chỉ từ một sự việc mà đưa tin bóp méo sự thật thì tức là làm mất hình ảnh của dân ta rồi.
Chúng ta ai cũng nhận thấy trong nhiều năm qua cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội thì giáo dục Việt Nam đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực, tiến bộ về nhiều mặt, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, là một trong những động lực thúc đẩy đất nước phát triển, làm cho diện mạo đời sống xã hội Việt Nam ngày càng khởi sắc. Phải nói rằng không có giáo dục thì làm sao có được những sản phẩm tri thức để đất nước ta phát triển như bây giờ.
Tôi xin dẫn chứng bằng một vài số liệu cụ thể: Trong từng giai đoạn, giáo dục Việt Nam luôn có sự cải cách, đổi mới để theo kịp sự phát triển của thời đại và quốc tế. Hiện nay, cả nước có trên 44 nghìn cơ sở giáo dục với trên 22 triệu học sinh; nước ta cơ bản hoàn thành phổ cập THCS, chất lượng giáo dục cũng ngày càng có nhiều chuyển biến rõ nét; trên 13 nghìn trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Giáo dục đại học có hơn 500 chương trình đào tạo quốc tế với các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới; hàng chục chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế,… Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế. Đặc biệt, thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế cũng rất nổi trội. Thống kê kết quả các kỳ Olympic trong 2 năm vừa qua: năm 2017, đội tuyển Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học của Việt Nam được đánh giá là giành thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự Olympic bởi cả số lượng, chất lượng huy chương mang về cho Tổ quốc. 4/4 thí sinh dự thi Olympic Hóa học đều giành huy chương (gồm 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc). Đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 5/86 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. 6/6 thí sinh Việt Nam đều giành huy chương (4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng) cuộc thi Olympic Toán học quốc tế, xếp thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018 vừa qua, đoàn học sinh Việt Nam tham dự cũng đều đoạt giải cao, trong đó cả 6 thí sinh dự thi Olympic Toán đều đoạt huy chương với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng; 5 em dự thi Olympic Vật lý đều đoạt giải với 2 huy chương vàng , 2 huy chương bạc, 01 huy chương đồng; Olympic Sinh học có 4 em dự thi đều đoạt huy chương, trong đó 3 huy chương vàng, 01 huy chương bạc; thi Olympic Tin học Châu Á có 7 em tham dự đều đoạt giải với 01 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Năm 2016, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA), học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học và đứng thứ 22 về lĩnh vực Toán học. Điều đó chứng minh cho giáo dục Việt Nam đang chủ động hội nhập thế giới, không ngừng tiếp cận chuẩn mực giáo dục quốc tế. Tháng 8/2017, bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO đã đánh giá “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”.
Thưa các bạn độc giả, không chỉ có Việt Nam, mà ở xã hội nào, chế độ nào, quốc gia nào nếu quản lý không tốt thì cũng ít nhiều đều có gian lận trong thi cử. Nhật Bản là một ví dụ, vì để khống chế số nữ vào học trường y, người ta đã sửa điểm của nhiều thí sinh, nâng điểm của một số con lãnh đạo. Ở Ấn Độ năm 2016, theo AFP đưa tin, trong kỳ thi đại học ở bang Karnataka, các quan chức đã hủy thi sau khi một học sinh cảnh báo đề bị lộ. Năm 2014 ở Trung Quốc, theo CNN khoảng 2.440 thí sinh tham gia kỳ thi quốc gia đã bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Ở Mỹ Năm 2013, College Board - đơn vị quản lý SAT và Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) ra quyết định là hủy bỏ kết quả thi của khoảng 1.500 thí sinh Hàn Quốc vì cáo buộc gian lận trên quy mô lớn... 
Vậy mà trong khi nhiều người dân, nhiều diễn giả, nhà khoa học, nhà giáo thể hiện thái độ đúng mực, phân tích có căn cứ và thấu đáo, bình luận có lý, có tình nhằm giúp công luận có một cái nhìn đúng đắn, khách quan về sự việc, thì tác giả lại lấy việc gian lận thi cử để đi đến kết luận “chỉ là một phần nổi cho thấy cảnh thối nát từ gốc rễ của đảng Cộng Sản Việt Nam...Bộ trưởng Bộ Giáo Dục thì buôn điểm, bộ trưởng Bộ Y Tế thì buôn thuốc giả...Tự gốc rễ, Cộng Sản là một chế độ độc tài toàn trị... Khi nào còn chế độ Cộng Sản thì nền giáo dục nước ta chưa thể ngóc đầu lên được.”
Điều đó làm cho mọi người sẽ đặt câu hỏi rằng tác giả có ý gì khi nói chuyện gian lận thi cử thì lại suy diễn, hướng đến chuyện chính trị, vơ đũa cả nắm, nhìn nhận vấn đề không thiện chí, mang nặng tính áp đặt chủ quan, đánh đồng hiện tượng với bản chất, có những liên tưởng, suy diễn thiếu khách quan và sai lệch về những đổi mới của ngành Giáo dục, về chế độ ta. Nguy hiểm hơn là tác giả lợi dụng vụ việc gian lận thi cử để xuyên tạc bôi nhọ lãnh đạo, nói xấu Đảng nói xấu chế độ. Trên thực tế, một số cán bộ vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không có nghĩa cả cơ quan ấy hay bộ ấy đều là như vậy. Việc gian lận thi cử đã bị phát hiện và truy tố những cán bộ vi phạm không có nghĩa là do Bộ trưởng hay cả Bộ Giáo dục như vậy.
Tôi thiết nghĩ, trong khi tình hình đất nước đang ổn định, phát triển, được cả thế giới ghi nhận, pháp luật được thực thi nghiêm minh, những vụ việc tiêu cực, tham nhũng đều được xử lý mà không có vùng cấm, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, đã được nhân dân đánh giá cao, do đó những thông tin về các vụ việc tương tự nêu ở trên cần được đánh giá khách quan hơn, tránh việc “mượn gió bẻ măng” như tác giả Ngô Nhân Dung thông tin trên tranh mạng. Làm như vậy, rất dễ đưa độc giả hiểu nhầm rằng, tác giả lợi dụng lòng tin của bạn đọc để gây nghi ngờ, mất niềm tin về những đổi mới của Giáo dục Việt Nam, rồi suy diễn sang vấn đề chính trị, nói xấu chế độ và kêu gọi lật đổ chính quyền. Chúng ta cần thận trọng với những thông tin trên mạng kiểu như vậy để có cái nhìn khách quan hơn trong mọi vấn đề, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống tốt đẹp của chúng ta đang có.

Thu Hoài

1 nhận xét:

  1. Qua bài bài viết này tôi nhận thấy rằng tác giả Ngô Nhân Dung đang suy diễn vơ đũa cả nắm, nhìn nhận vấn đề không thiện chí, mang nặng tính áp đặt chủ quan, đánh đồng hiện tượng với bản chất, có những liên tưởng, suy diễn thiếu khách quan và sai lệch về những đổi mới của ngành Giáo dục, về chế độ ta. Nguy hiểm hơn là tác giả lợi dụng vụ việc gian lận thi cử để xuyên tạc bôi nhọ lãnh đạo, nói xấu Đảng nói xấu chế độ. Trên thực tế, một số cán bộ vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không có nghĩa cả cơ quan ấy hay bộ ấy đều là như vậy. Việc gian lận thi cử đã bị phát hiện và truy tố những cán bộ vi phạm không có nghĩa là do Bộ trưởng hay cả Bộ Giáo dục như vậy.Do đó chúng ta cần thận trọng với những thông tin trên mạng kiểu như vậy để có cái nhìn khách quan hơn trong mọi vấn đề, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống tốt đẹp của chúng ta đang có.

    Trả lờiXóa