Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Báo Autralia: Việt Nam,một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực



Mạng aigroup.com.au (Autralia) đã đăng bài nghiên cứu về kinh tế Việt Nam trong một phần tư thế kỷ thực hiện đường lối đổi mới và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Autralia trong những năm gần đây.
Bài báo viết:
Năm 1986, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1991 - 1995, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh tự do hoá, nền kinh tế đạt được tốc độ tương đối cao và toàn diện, với tỉ lệ tăng trưởng GDP thực bình quân năm tăng 9%. Tỷ lệ đói nghèo giảm gần 20%.
Từ năm 2000, Chính phủ bắt đầu nhanh chóng cải cách các doanh nghiệp và nền kinh tế. Góp phần nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời duy trì động lực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong thời gian từ năm 2007 đến 2010, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa đối với gần 1600 doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ Việt Nam cũng có một kế hoạch đầy tham vọng mở rộng quá trình cổ phần hóa các tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, xi măng, thép và dệt may.
Trong Hiệp định thành lập Khu vực Tự do Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), Việt Nam cam kết một loạt các cải cách tự do, bao gồm việc xoá bỏ thuế quan đối với 29% dòng thuế vào năm 2010 và gần 90% năm 2025. Hiệp định này cũng bao gồm cam kết tạo thuận lợi cho dòng luân chuyển hàng hóa thông qua việc áp dụng các điều khoản cụ thể về quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp SPS, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá hợp chuẩn; có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Australia, New Zealand, trong đó có Australia và Việt Nam.
GDP thực tế tăng hơn 5% trong năm 2009 và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu chỉ số tăng trưởng kinh tế 6,5% vào năm 2010. Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam nhìn thấy nhu cầu của thị trường xuất khẩu trọng yếu giảm đi trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Đồng thời, với việc thắt chặt điều kiện tín dụng toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang chậm lại.
Đối phó với sự suy thoái kinh tế, Chính phủ đã đưa ra một loạt các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích nền kinh tế. Trong đó bao gồm việc trợ cấp 4% các khoản cho vay thương mại. Tuy nhiên, khả năng Chính phủ có thể cung cấp một gói kích thích tài khóa lớn cho nền kinh tế đã bị hạn chế bởi sự thâm hụt thương mại lớn và dự trữ ngoại hối nước ngoài thấp.
Việt Nam có nhiều thế mạnh kinh tế, đặc biệt là kỹ năng và năng khiếu kinh doanh  của lực lượng lao động trẻ. Việt Nam cũng là một thành viên trong mạng lưới phát triển các hiệp định thương mại tự do, là nước thành viên của ASEAN và là quốc gia nằm trong khu vực năng động nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì sự tăng trưởng và quỹ đạo phát triển về lâu dài. Khả năng để đối phó với sự phát triển kinh tế gần đây của Việt Nam sẽ là một thử nghiệm quan trọng đối với Chính phủ.
Về thương mại Australia - Việt Nam:
Xuất khẩu thương mại, hàng hoá và dịch vụ hiện nay đã chiếm khoảng 70% GDP của Việt Nam, tăng 30% thị phần so với giữa những năm 1990. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Australia và Việt Nam đăng ký tăng đáng kể trong năm năm qua, đạt mức 6 tỷ USD trong năm 2009.
Thị phần của Việt Nam đạt 8 tỷ USD tương đương với 10% tổng kim ngạch thương mại giữa Australia và ASEAN. Theo một nguồn tin cho biết, tại Việt Nam, thị trường mạnh nhất là các dịch vụ đô thị hóa vì nền kinh tế phát triển nhanh chóng với dân số 86 triệu người, có tốc độ tăng trưởng 7,5-8% mỗi năm, phát triển cơ sở hạ tầng đã được xác định là một lĩnh vực ưu tiên quốc gia  đang khuyến khích các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng kim ngạch thương mại dịch vụ hai chiều Australia và Việt Nam trong năm 2009 đạt 1,5 tỷ đô-la Úc (Australia), tăng 15 %. Trong đó, xuất khẩu dịch vụ sang Việt nam trong thời gian này đạt 865 triệu đô-la Úc, tăng gấp ba lần so với năm 2005. Xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của Australia vẫn là giáo dục với giá trị 713 triệu đô-la Úc. Các dịch vụ mà Úc nhập khẩu từ Việt Nam đạt 608 triệu đô-la Úc, chủ yếu là ngành du lịch giải trí (446 triệu đô-la Úc).
Về quan hệ kinh tế song phương:
Tính đến tháng 4 năm 2010, có 224 dự án đang có hiệu lực do Australia tài trợ, giải ngân FDI trị giá 224 triệu USD. Trong năm năm qua, đầu tư quan trọng nhất của Australia là mở rộng việc thành lập các công ty và các công ty này không ngừng đa dạng hoá hoạt động của mình tại Việt Nam. Tiêu biểu là các ngân hàng ANZ, QBE, Santos, Qantas và Ngân hàng Commonwealth.
Uỷ ban Hỗn hợp Hợp tác Thương mại và Kinh tế Australia-Việt Nam cấp Bộ trưởng (JTECC) thực hiện cơ chế nâng cao sự phối hợp và giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với nhau nhằm đưa quan hệ đầu tư và thương mại song phương đi lên, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh xảy ra. JTECC tổ chức cuộc họp lần thứ 9 vào ngày 25-6-2010 tại Melbourne. Hội nghị đã tạo cơ hội để thảo luận các vấn đề khu vực trọng điểm về tiềm năng tăng cương hợp tác đầu tư và thương mại song phương, trong đó bao gồm giáo dục và đào tạo; cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên và môi trường. Các vấn đề đa phương và trong khu vực mà hai bên cùng quan tâm cũng được đưa ra thảo luận.
Australia và Việt Nam đều tham gia Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA). Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Việt Nam thông qua Hiệp định này vào ngày 24-6-2009.Xuất khẩu hàng hoá chủ yêu của Việt Nam là dầu thô, dệt may, giày dép, hải sản, sản phầm gỗ, gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và than đá. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia.
Cơ hội xuất khẩu cho các công ty của Australia
Trong khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức thì triển vọng lâu dài cho mối quan hệ thương mại Australia và Việt Nam vẫn có dấu hiệu tích cực.
-Du lịch và phát triển cơ sở hạ tầng du lịch
Trong 15 năm qua, lượng khách du lịch đến Việt Nam trung bình mỗi năm tăng 20% . Trong năm 2010, Việt Nam thu hút 6 triệu du khách nước ngoài và 25 triệu khách du lịch trong nước, với doanh thu đạt 4-5 tỷ USD. Nhiều khu nghỉ dưỡng đang được phát triển và ngày càng nhiều dự án, đặc biệt là tại vùng ven biển từ miền trung vào miền nam. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thê thao và Du lịch, Việt Nam đang chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án du lịch lớn như các khách sạn, công viên giải trí, khu nghỉ dưỡng, sân golf. Các khu vực phát triển du lịch nổi bật là thành phố Đà Nẵng, thành phố Nha Trang, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đảo Phú Quốc, tỉnh Quảng Ninh. Các nhà quy hoạch thành phố cũng cho biết sự cần thiết ưu tiên phát triển các sân bay, đường bộ và các cơ sở hạ tầng du lịch khác.
-Giáo dục và Đào tạo
Xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường và sự phát kinh tế mạnh mẽ tại Việt Nam đã gia tăng nhu cầu các dịch vụ giáo dục và đào tạo. Cải cách ngành giáo dục đang được tiến hành với sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Thế giới và Phát triển Châu Á. Nhu cầu đao tạo các lĩnh vực như ngoại ngữ (tiếng Anh), quản trị doanh nghiệp và công nghệ thông tin vãn còn rất cao, đặc biệt là tại các trung tâm đô thị lớn  như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
-Dầu khí
Việt Nam có trữ lượng lớn dầu và khí đốt, đồng thời đồng thời có nhiều mỏ khoáng sản có thể khai thác. Nhiều công ty Australia đã bày tỏ quan tâm về việc phát triển khoáng sản tại Việt Nam, tuy nhiên, họ vẫn còn lo ngại bởi môi trường pháp lý và chế độ tài chính không chắc chắn tại đây.
-Phát triển sạch
Theo Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Việt Nam là một nước có tiềm năng to lớn để thực hiện các dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) Từ năm 2003, có hơn 100 dự án CDM đã được phát triển bởi DNA. Tại Hội nghị CDM quốc tế lần thứ 13 (COP 13) tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 12 năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết: Việt Nam dự kiến sẽ nhận được khoảng 250 triệu USD trong thời gian từ năm 2008 đên 2012 từ các dự án CDM. Điều này có nghĩa là dự án CDM tại Việt Nam làm giảm thêm 40 triệu tấn CO2 hoặc tương đương (CO2e) trong thời gian đó. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần thiết phải chuyển giao các công nghệ sạch từ các nước phát triển vào Việt Nam.
Các công ty của Australia thường rất được đón nhận tại Việt Nam. Australia được coi là một quốc gia hiện đại, công nghệ tiên tiến và thân thiện. Các cơ hội thương mại và đầu tư dài hạn tăng phù hợp với sự tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện chương trình cải cách pháp luật và hành chính./.
Thái Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét