Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (Bài 1)


QĐND - Vào đầu năm 60 của thế kỷ XX, trước những thất bại liên tiếp trong âm mưu đàn áp phong trào cách mạng, Chính phủ Mỹ (với sự đồng ý của chính quyền Ngô Đình Diệm), ráo riết chuẩn bị cho việc sử dụng chất khai quang vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Ngày oan nghiệt
Ngày 11-5-1961, Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi họp Hội đồng An ninh Quốc gia và ra tuyên bố: “Để ngăn chặn Cộng sản xâm lược Nam Việt Nam, quyết định dùng chất diệt cỏ… và các kỹ thuật tân kỳ khác để kiểm soát các đường bộ và đường thủy dọc biên giới Việt Nam…”. Ngày 20-11-1961, Giôn Ken-nơ-đi đã chính thức phê chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch khai quang. Tuy nhiên, trước đó, ngày 10-8-1961, máy bay của quân đội Mỹ đã bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam, dọc theo đường 14 từ bắc Kon Tum đến Đắc Tô. Thảm họa da cam ở Việt Nam bắt đầu từ đây.
Những tác hại do chất độc da cam/dioxin (CĐDC/D) gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam đã được nhiều nhà khoa học nhắc đến và bị dư luận thế giới lên án gay gắt. Khoảng 5.000 nhà khoa học, trong đó có 17 người từng đoạt giải Nô-ben và 129 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã ký tên phản kháng, yêu cầu Tổng thống Mỹ phải chấm dứt ngay hành động hủy diệt môi sinh này. Nhà khoa học Béc-tơ-răng Rút-xen tố cáo việc sử dụng hóa chất của quân đội Mỹ có khả năng gây ra bệnh ung thư cho con người. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn ngày 25-8-1969, có đoạn viết: “Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chà đạp lên các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, đến nay vẫn kéo dài ở miền Nam Việt Nam. Mỹ vẫn đẩy mạnh các cuộc hành quân càn quét, tăng cường các cuộc đánh phá bằng máy bay B52 và chất độc hóa học, gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam…”.
Ngày 30-6-1971, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh ngừng sử dụng vũ khí hóa học, nhưng quân đội Mỹ vẫn chấp thuận cho quân đồng minh và quân đội Sài Gòn tiếp tục rải chất khai quang cho đến trước ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng tháng 4-1975.
Nỗi đau da cam
Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H-34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên dọc theo Quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắc Tô mở đầu cho chiến dịch rải chất khai quang, được đặt dưới mật danh “Ranch Hand”. Từ năm 1965 đến năm 1971, quy mô cuộc chiến tranh hóa học mở rộng, quân đội Mỹ còn dùng cả loại máy bay vận tải khổng lồ C123 có khoang chứa tới hơn 4,5 tấn hóa chất rải sâu vào căn cứ địa, hậu phương của ta. Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Suốt trong mười năm, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366kg đi-ô-xin xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển (Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ) đều bị phun rải CĐDC/D, trong đó Đông Nam bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải). Có 3,06 triệu héc-ta của gần 26.000 thôn bản đã bị phun rải chất độc. Khoảng 86% lượng chất độc phun rải xuống các vùng rừng rậm, 14% còn lại dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu. Rừng bị hủy hoại nhiều nhất thuộc các vùng: Dọc biên giới Việt-Lào có đường mòn Hồ Chí Minh - từ Quảng Trị đến Kon Tum (Hướng Hóa, A Lưới, Sa Thầy, Đăk Lay); Đông Nam bộ (Chiến khu C, Chiến khu D, Bời Lời, Tam giác Sắt…); Năm Căn - tỉnh Cà Mau; Cần Giờ - Sài Gòn. Hai vùng rừng ngập mặn bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Rừng Sác và mũi Cà Mau.
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Thay vào đó, nhiều loại cỏ dại xuất hiện, các loại lau, sậy dần dần xâm lấn đất rừng, làm xói mòn lớp đất màu. Hậu quả còn kéo dài sau nhiều năm: Do bị tàn phá nặng nề, chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá vỡ, gây ra lũ lụt tàn phá nghiêm trọng trên lưu vực 28 con sông ở miền Trung (Thạch Hãn, Hương, Hàn, Thu Bồn, Trà Khúc, Côn, Vệ, Cầu Ba…).
CĐDC/D là cụm từ chỉ các chất độc chứa đi-ô-xin. Quá trình sản xuất 2,4,5-T (chiếm 50% thành phần da cam) sinh ra một tạp chất (sản phẩm phụ hay sản phẩm không mong muốn) là đi-ô-xin. Đi-ô-xin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Với liều lượng 1 picogram (ppt, phần ngàn tỷ gram) đi-ô-xin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanôgram (ng, phần tỷ gram) đi-ô-xin có thể lập tức gây chết người. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chỉ cần 85 gram đi-ô-xin hòa vào hệ thống cấp nước có thể giết chết toàn bộ số người một thành phố 8 triệu dân.
CĐDC/D đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hầu hết những người bị nhiễm CĐDC/D là cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân sống trong vùng bị rải chất độc, một số là những người từng phục vụ chính quyền Sài Gòn cũ. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Thế hệ con (F1), cháu (F2) của các nạn nhân cũng do di nhiễm CĐDC/D mà bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư… Phần lớn các gia đình nạn nhân CĐDC/D đã và đang sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo. Nhiều gia đình có đến 2, 3, thậm chí 4, 5 nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Thế giới lên án
Hội thảo quốc tế lần thứ II Về chất độc hóa học diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và tác hại lâu dài của nó đối với thiên nhiên và con người, tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 15 đến ngày 18-11-1993, đã kết luận: “Chất độc da cam của Mỹ đã hủy diệt thiên nhiên cây cỏ; hủy diệt sức khỏe con người, gây nhiều bệnh tật nặng nề; gây nên những biến đổi gen di truyền qua mẹ hoặc bố, gây tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng, dị tật của những đứa con sinh ra; gây các bệnh ung thư…”.
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC/D. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt-nguyên Tư lệnh Các lực lượng hải quân, không quân Mỹ ở Việt Nam (1968-1970), có ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ Mỹ đã bị phơi nhiễm chất độc. Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc (KAOVA) cho biết: Có 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân CĐDC/D, trong đó 20 nghìn người đã chết…
(còn nữa)
Bài và ảnh: Mai Thế Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét