Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Bảo đảm an ninh, an toàn khi phát triển internet



QĐND - Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người dùng internet, một sự phát triển vượt bậc, gấp 3 lần so với 5 năm trước. Theo dự báo, số người dùng internet tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, lên hơn 40 triệu người trong 2 năm tới. Với hơn 1/3 dân số trong cả nước được tiếp cận và sử dụng internet, đây là một điều đáng mừng, vì thông qua internet, người dân có thể học tập, thu thập thông tin, trao đổi, liên lạc, giải trí…
Tuy nhiên, đối với các cơ quan quản lý, sự phát triển của internet đồng thời đặt ra yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ luật pháp và bảo vệ an toàn cho người dân sử dụng dịch vụ internet.
Thực tế cho thấy, internet mở ra cơ hội lớn cho phát triển các dịch vụ mạng nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Từ các nguy cơ mang tính chất an toàn cá nhân như lừa đảo, mạo danh, đến khả năng tác động tới nền kinh tế thông qua các loại hình mua bán, giao thương và lưu trữ dữ liệu trên mạng internet. Ở một cấp độ cao hơn, internet còn tác động rất lớn đến chính quyền và sự an toàn của các quốc gia. Đơn cử như sự vụ WikiLeaks với an ninh nước Mỹ, phong trào “mùa xuân Ả rập” hay bạo động xảy ra ở Anh tháng 8-2011, đều được châm ngòi từ internet và khai thác tối đa các mạng xã hội để tập hợp và tổ chức lực lượng. 
Do đặc điểm của internet không công khai danh tính, có thể kết nối đồng thời đến nhiều người và khả năng liên kết không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, internet vừa có thể sử dụng cho những mục đích tốt đẹp, nhưng cũng rất dễ bị những phần tử cơ hội, chống đối sử dụng cho những mục đích xấu.
Tại Việt Nam hiện nay, hầu hết các dịch vụ như tìm kiếm, email, chat, mạng xã hội đều được cung cấp bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp này cung cấp sản phẩm tại Việt Nam nhưng không hề phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài có tới hàng chục triệu khách hàng trong nước, nhưng bỏ qua các quy định của Việt Nam.
Việc có quá nhiều công cụ liên lạc thông qua internet dành cho người Việt Nam, không tuân thủ pháp luật Việt Nam là vô lý và nguy hiểm. 
Hiện loại hình liên lạc, kết nối phổ biến nhất là mạng xã hội, đứng đầu thế giới là Facebook, với hơn 800 triệu người dùng trên toàn thế giới và khoảng 3,5 triệu người dùng tại Việt Nam. Với khả năng chia sẻ thông tin đến toàn thể cộng đồng, Facebook không chỉ là nơi để trao đổi, thăm hỏi và trò chuyện, nó còn là diễn đàn để bàn luận về kinh tế, chính trị. Vì thế, mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng đang hoạt động như một mạng viễn thông. Nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn, nhiều quốc gia trên toàn cầu như: Mỹ, Anh, Trung Quốc… đã có những đạo luật yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải kiểm duyệt thông tin.
Trên các mạng xã hội nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam, vì thiếu sự kiểm soát, nên người dùng có thể thoải mái đưa lên bài viết, file âm thanh, clip mà không gặp bất cứ biện pháp kiểm duyệt nội dung nào. Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức phản động đã lợi dụng mạng xã hội để truyền bá những thông tin sai lệch, quan điểm, nhận thức sai trái, lệch lạc, thậm chí tung ra các tài liệu có mục đích hoạt động chống phá nhà nước. Trên Facebook, các thế lực phản động và thù địch thường xuyên đưa lên hình ảnh, video clip, văn bản xúc phạm lãnh tụ, bôi xấu hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kêu gọi biểu tình, bạo động, lật đổ. Người dùng trong nước cũng dễ dàng truy cập và tiếp cận với các tài liệu và hình ảnh này.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh biết bao xương máu mới giành được độc lập trọn vẹn và thống nhất đất nước, tuy vậy đến bây giờ, gần bốn chục năm sau ngày đất nước thống nhất, các thế lực thù địch, phản động vẫn tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền, tìm cách gây bất ổn trong xã hội Việt Nam. Trong khi tiến hành chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ chống phá cách mạng Việt Nam, chúng đã lợi dụng triệt để những ưu thế của phát triển công nghệ thông tin trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ internet, để chống phá về tư tưởng văn hóa. Cuộc đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng đang ngày càng nóng bỏng và quyết liệt, đặt ra yêu cầu cao đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh tư tưởng văn hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước và chế độ XHCN. 
Có rất nhiều việc phải làm nhằm bảo vệ an ninh, an toàn trên không gian mạng, nhưng trước hết với các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp website dịch vụ internet tại Việt Nam có giao diện tiếng hoặc đang sử dụng tên miền “vn” phải mở văn phòng đại diện và máy chủ đặt tại Việt Nam, cam kết tuân thủ các quy định về quản lý nội dung và hợp tác thông tin với Nhà nước. Khi rất nhiều quốc gia trên thế giới đang lên tiếng đòi hỏi sự tôn trọng luật pháp quốc gia trongphát triển  internet như: Thái Lan, Ấn Độ… Việt Nam càng cần điều đó hơn, để bảo vệ người dân khỏi sự tấn công về văn hóa, tư tưởng và bảo vệ người dân khỏi những kích động không đáng có đến từ internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.
HOÀNG QUANG HUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét