Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chống “tự diễn biến” là đấu tranh với chính mình



QĐND - “Tự diễn biến” là nguy cơ đã được Đảng ta cảnh báo từ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và chỉ ra đó là hệ quả của suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hay nói cách khác, chống tự diễn biến phải bắt đầu từ chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng. 
Tại Hội nghị Trung ương bốn (Khóa XI) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên”.
Thực tiễn cho thấy, chính do không thường xuyên và tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập mà một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xa rời các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phai nhạt chất cộng sản trong con người mình, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, dẫn đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Đảng và nhân dân giao cho để tham ô, tham nhũng, móc ngoặc. Tình trạng liên kết, đồng lõa giữa bộ phận này với bộ phận khác “lách luật”, bẻ cong đường lối, chính sách của Đảng để trục lợi (lợi ích nhóm) chính là hình thức tham nhũng tập thể, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì con “bạch tuộc” tham nhũng này sẽ còn lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác và đây là nguy cơ của nguy cơ tự diễn biến từ bên trong nội bộ Đảng. 
Có thể nói hầu hết những cán bộ, đảng viên phạm tội tham ô, tham nhũng là do bản thân họ đã quên nhiệm vụ đầu tiên của người đảng viên là phải “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Không ít người từng là cán bộ, đảng viên tốt, thậm chí đã từng có những đóng góp, cống hiến cho Đảng, cho đất nước, nhưng do thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng, thiếu học tập và bồi dưỡng về nhận thức lý luận chính trị... đã sa vào “vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân”, tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Nhiều người thấy cái đúng không ủng hộ, thấy cái sai không dũng cảm đấu tranh, ngược lại còn trực tiếp hoặc gián tiếp đồng tình với những nhận thức sai lệch, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phản động và cơ hội chính trị...
Những hiện tượng kể trên cho thấy công tác tổ chức, cán bộ; chất lượng sinh hoạt đảng, công tác quản lý cán bộ đảng viên ở một số đơn vị, địa phương lâu nay rất lỏng lẻo, yếu kém. Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng ở một số nơi coi nhẹ hoặc bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức, chiếu lệ. 
Những đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nhận thức lệch lạc về quan điểm, đường lối hoặc có biểu hiện hư hỏng, tham ô, tham nhũng... có thể trốn tránh được pháp luật nhưng không thể qua được tai mắt nhân dân. Sự giàu có một cách bất thường, những biểu hiện thiếu gương mẫu trong lời nói và việc làm, thậm chí sa đọa về đạo đức, lối sống của họ... khiến nhân dân xa lánh, mất lòng tin vào họ, đồng nghĩa với xa lánh, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Và đó chính là kết quả của "tự diễn biến".
Ai sẽ là người đứng ra để “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị” trong Đảng, như Nghị quyết Trung ương bốn (Khóa XI) đã đề ra? Lẽ đương nhiên không ai có thể làm thay, mà chỉ có chính cán bộ, đảng viên mới làm được. Đó là công việc hệ trọng của Đảng, đòi hỏi một quyết tâm rất cao, đoàn kết thống nhất từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đến toàn thể cán bộ, đảng viên mới làm được. 
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên nhằm phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu trong Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh và vai trò lãnh đạo đối với cách mạng Việt Nam. Hơn 80 năm qua, kể từ ngày thành lập, Đảng ta cũng đã nhiều lần tổ chức xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay, phải đặt nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, lối sống trong Đảng lên hàng đầu. Tuy nhiên, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đây là công việc “vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức” vì thế lại càng cần quyết tâm và đoàn kết cao hơn, với những giải pháp, bước đi phù hợp. Trước hết, trong toàn Đảng phải mở một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng thực trạng suy thoái tư tưởng, chính trị trong Đảng là rất nghiêm trọng. Tình trạng suy thoái trong Đảng lại đang bị các thế lực thù địch lợi dụng tiến công, phá hoại, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta. Từ suy thoái về tư tưởng, chính trị dẫn đến suy thoái về tổ chức, đạo đức, lối sống, văn hóa… Nếu không được khắc phục thì đây là nguy cơ dẫn đến mất Đảng, mất chế độ.
Phải nhận thức thật đầy đủ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị nói riêng là công việc rất khó, rất phức tạp, nhưng nhất thiết phải làm bằng được. Việc này “không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” - đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. 
Về các giải pháp, thì giải pháp quan trọng nhất (cũng là giải pháp lâu nay còn coi nhẹ) là phải thực hiện phương châm làm từ trên làm xuống và phải lấy sự gương mẫu của cấp trên làm chuẩn mực cho cấp dưới làm theo, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”; Tuyệt đối tránh lợi dụng phê bình và tự phê bình để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau, nhưng cũng phải tránh làm lướt, tự phê bình và phê bình chung chung.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu và để đạt hiệu quả, Trung ương phải xử lý kỷ luật ngay những đảng viên vi phạm kỷ luật và người đứng đầu tổ chức của đảng viên đó với phương châm “ít mà mạnh còn hơn nhiều mà yếu”.
Đảng ta đã nhận rõ thiếu sót khuyết điểm và đã  nêu quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng để thực sự “Đảng là đạo đức, là văn minh". Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng về tầm quan trọng, ý nghĩa và tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh này. Đặc biệt, phải thấy chống "tự diễn biến", chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là cuộc đấu tranh của mỗi cán bộ, đảng viên với chính mình. Vì vậy, đòi hỏi tính tự giác và gương mẫu rất cao. Cán bộ cấp càng cao, càng có chức, có quyền càng phải tự giác và gương mẫu. Chiến thắng được chính mình, cán bộ, đảng viên mới lấy lại được lòng tin của nhân dân. Nhân dân tuyệt đối tin theo Đảng thì không có thế lực thù địch nào có thể thực hiện được âm mưu thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng để chống phá cách mạng nước ta.
Huy Thiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét