Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác thiết thực Việt - Trung


QĐND - Chuyến thăm chính thức của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc theo lời mời của Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, từ ngày 11 đến 15-10-2011 là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Trung. Hai nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và Trung Quốc sẽ trao đổi về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và những vấn đề còn tồn đọng trong quan hệ hai bên.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Tổng bí thư BCH Trung ương ĐCS Việt Nam tới Trung Quốc sau khi Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII; bầu Ban lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội; đồng thời tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc mới kỷ niệm 90 năm thành lập ĐCS Trung Quốc, bắt đầu triển khai thực hiện quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 và đang tiến hành các bước chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ XVIII. Qua hơn 30 năm cải cách mở cửa, nhân dân Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kỳ diệu trong phát triển, đặc biệt Trung Quốc đã vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Vào ngày 18-1-1950, chỉ vài tháng sau khi ra đời, nước CHND Trung Hoa đã trở thành nhà nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam). Đó là dấu mốc lịch sử quan trọng trong mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, tạo thuận lợi cho quan hệ hai nước phát triển về mọi mặt. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay.
Hơn 60 năm qua, đặc biệt là trong 20 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1991), quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa hai nước mặc dù trải qua nhiều thử thách, nhưng vẫn phát triển nhanh chóng, sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Các chuyến thăm và gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao hai nước được duy trì thường xuyên; giao lưu và hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực ngày càng được mở rộng và có hiệu quả. Đặc biệt là thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” đã tạo động lực mới quan trọng đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Việc hai bên đã phối hợp hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt  - Trung trên đất liền; thiết lập và phát huy tốt vai trò của các cơ chế hợp tác song phương; quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại phát triển nhanh chóng; giao lưu giữa các đoàn thể quần chúng, các tổ chức nhân dân, nhất là giữa thanh-thiếu niên hai nước ngày càng gia tăng… đã góp phần làm cho mối tình hữu nghị và hợp tác Việt - Trung do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng, các nhà cách mạng tiền bối và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, không ngừng phát triển, trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc. Mối quan hệ này đang được cán bộ đảng viên, nhân dân hai nước và các thế hệ mai sau không ngừng giữ gìn, vun đắp. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. 
Hợp tác giữa hai Đảng trong thời gian qua được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các ban Đảng. Trung Quốc đã nối lại việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cao cấp và trung cấp cho Việt Nam. Hai Đảng cũng tích cực trao đổi kinh nghiệm, lý luận xây dựng Đảng và xây dựng đất nước trong điều kiện mới. Quan hệ giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng - an ninh của hai nước tiếp tục được tăng cường với những thỏa thuận hợp tác song phương thiết thực, cụ thể đã được ký kết. Riêng trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, hai bên đã thống nhất tăng cường hợp tác hải quân thông qua hoạt động như thiết lập đường dây nóng, tuần tra liên hợp để bảo đảm an toàn hàng hải và khuyến khích ngư dân hai bên tuân thủ luật lệ quốc tế. Trong hai năm qua, hai bên đã tiến hành thành công hai cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng và an ninh tại Hà Nội và Bắc Kinh. Bên cạnh đó, việc giao lưu, trao đổi đoàn và hợp tác giữa các địa phương của hai bên cũng diễn ra thường xuyên, mang lại những thành quả thiết thực. Hợp tác song phương trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch đang phát triển mạnh mẽ. Hiện có 13 nghìn lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc trong khi Trung Quốc có 3.500 người đang theo học ở Việt Nam.
Trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Trong 7 năm qua, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt tới 27,33 tỷ USD, trong 6 tháng đầu năm nay kim ngạch đã đạt hơn 15 tỷ USD.  Hiện Trung Quốc đứng thứ 14 trong danh sách 92 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam, với 805 dự án đầu tư trực tiếp và tổng vốn đăng ký đạt gần 4,2 tỷ USD.
Các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước từng bước được giải quyết, trong đó việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc và ký kết các văn kiện liên quan đến biên giới đất liền trong hai năm qua có ý nghĩa lịch sử to lớn trong việc xây dựng khu vực biên giới hòa bình và hữu nghị giữa hai nước. Hai nước đã ký hai hiệp định về Vịnh Bắc Bộ (gồm Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá), hiện đang được triển khai tương đối thuận lợi.
Tuy nhiên, giữa hai nước hiện đang tồn tại một số bất đồng, đặc biệt là vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Hai bên đang nỗ lực giải quyết trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao mà hai nước đã đạt được. Giải quyết tranh chấp Biển Đông là quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi nỗ lực và một cách tiếp cận thực tế, khách quan của các bên, nhận thức đầy đủ các mối quan tâm của nhau, giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tìm kiếm một giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được, bảo đảm lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì sự ổn định và phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ hội để củng cố hơn nữa tình hữu nghị truyền thống, sự đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn quý trọng và trước sau như một sẽ làm hết sức mình để không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc nhất định sẽ không ngừng củng cố và phát triển. Nhân dân và các LLVT nhân dân Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng, chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thành công tốt đẹp; hai bên sẽ tiếp tục cùng phấn đấu đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phồn vinh của khu vực và trên thế giới.
QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét