Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Giữ vững lòng tin của nhân dân


QĐND - Bài học của tất cả các quốc gia trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, nếu để mất lòng tin của nhân dân vào chính quyền, sẽ mất tất cả.
Chúng ta đều biết, trong thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những chiến công kỳ diệu,  đánh đuổi ngoại xâm, xóa bỏ chế độ quân chủ, đưa nước ta từ xứ thuộc địa nửa phong kiến trở thành Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đảng cũng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1986, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chúng ta tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa… từng bước đưa nước ta thoát khỏi khủng khoảng về kinh tế-xã hội. Thành tựu 25 năm đổi mới của Việt Nam được cả thế giới thừa nhận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, một thực tế, đồng thời là một vấn đề gay gắt đặt ra là một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện xa dân, không nghe được tiếng nói của nhân dân, không "lo trước nhân dân, vui sau nhân dân", không thực sự là "công bộc" của nhân dân, làm nhân dân suy giảm lòng tin.
Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần dẫn thành ngữ "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" để chỉ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, suy giảm phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Đó là những người nói rất hay về đạo đức, về văn hóa nhưng chính họ không gương mẫu thực hiện, cơ hội chờ thời, không chấp hành nguyên tắc Đảng. Họ không coi trọng nhân dân, gây phiền hà, bức xúc cho dân, thậm chí có thái độ hống hách, cửa quyền khi tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến người dân. Họ thờ ơ, lãnh cảm trước khó khăn vất vả, thậm chí là trước nỗi đau của người dân. Nhiều cán bộ cơ sở vô trách nhiệm, không nắm được tình hình địa phương, đơn vị mình, không nắm được nguyện vọng của nhân dân, không quan tâm đến lợi ích của dân, thậm chí ăn bớt, ăn cắp, làm ẩu, làm sai và thông đồng, móc ngoặc bòn rút của công.
Chính những cán bộ, đảng viên, công chức này làm cho xã hội nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc, lòng tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ bị xói mòn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, lo ngại về sự tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên. Trong toàn bộ di sản những bài nói, bài viết của Người để lại, có nhiều trang, nhiều bài Người tiên liệu về thói quan liêu, hống hách xa dân, nguy cơ biến thành "quan cách mạng" của một số cán bộ, đảng viên sau khi đã đồng cam cộng khổ cùng nhân dân giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm chỉ rõ, đó là nguy cơ lớn nhất trong mọi nguy cơ, vì đó là một thứ giặc vô hình từ trong nội bộ tổ chức, từ trong mỗi con người. Đến mùa xuân cuối cùng của cuộc đời mình, Hồ Chí Minh vẫn đau đáu căn dặn: “Nâng cao đạo đức cánh mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân sẽ làm hỏng Đảng, không tập hợp được quần chúng, dẫn đến mất vai trò, mất vị trí cầm quyền.
Đảng ta đã nhận thức rõ vấn đề và thừa nhận một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Để giải quyết vấn đề này, cần một tổng thể các biện pháp đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến chi bộ, từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao đến  mỗi đảng viên. Cần thường xuyên tiến hành sinh hoạt trong Đảng với tinh thần phê bình và tự phê bình nghiêm túc để chỉ rõ mối nguy cơ này mà ngăn chặn. Đồng thời cần thật thà tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân để sửa chữa. Giải pháp rất quan trọng là thường xuyên làm tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và toàn xã hội. Trong vấn đề này, đặc biệt coi trọng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và coi trọng hành động, việc làm hơn lời nói xuông. Một số nội dung cần quan tâm là:
Thứ nhất, cần thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Toàn xã hội sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Các cơ quan công quyền phải quan tâm xây dựng văn hóa công quyền sao cho con người sống với nhau vừa đúng pháp luật, vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của tộc ta. Cần có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức. Cần phân loại và đánh giá chính xác cán bộ, đảng viên và có biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện để mỗi người có cơ hội phát huy những mặt mạnh, mặt tốt đồng thời khắc phục những mặt yếu, những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác và trong cuộc sống. Việc đánh giá cán bộ, có nơi làm chưa tốt, mang tính hình thức. Thực tế có nhiều cán bộ tốt, tích cực, âm thầm cống hiến nhưng cũng có nhiều cán bộ trung bình, thiếu trách nhiệm, lười phấn đấu, thậm chí "có vấn đề" về chất lượng công tác, đạo đức, lối sống nhưng biết "quan hệ tốt" vẫn được chiếu cố, bỏ qua khuyết điểm. Nhiều nơi, do cán bộ cấp trên yêu ghét cảm tính, nhìn nhận con người thiếu khách quan, công tâm, làm thui chột những nhân tố tích cực. Bộ máy chính quyền tốt là bộ máy được ví như một tòa nhà bằng kính trong suốt, ở đó ai làm gì đều không qua được mắt nhân dân. Để có “một ngôi nhà bằng kính trong suốt” ấy, cần thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để cán bộ thực sự là công bộc của dân, đầy tớ của dân.
Thứ hai, mở rộng dân chủ thực sự. Dân chủ nghĩa là quyền làm chủ thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền biết, bàn, làm, kiểm tra và hưởng lợi. Nhân dân phải có quyền chất vấn chính quyền, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải trân trọng lắng nghe và chân thành tiếp thu ý kiến khen, chê của nhân dân. Những vấn đề người dân phản ánh, khiếu nại, kiến nghị phải giải quyết công khai, tận tụy, thấu đáo (nếu người nào cố tình nói sai, có động cơ xấu thì xử lý nghiêm theo pháp luật). Đối với nhân dân, cán bộ mọi cấp cần quán triệt lời dạy của Hồ Chí Minh: Gần dân, trọng dân, tin dân, lo cho dân. Như vậy mới xây dựng được lòng tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền. Lòng tin đã có rồi, thì dù có sóng gió cũng khó lay chuyển được mối quan hệ máu thịt giữa dân và chính quyền, giữa dân và Đảng. Việc xây dựng lòng tin trong nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng trước hết là của các cán bộ cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường... những người gần dân, sát dân nhất. Cán bộ cơ sở là hiện thân của Đảng, của chính quyền trước nhân dân hằng ngày.
Thứ ba, công chức phải sống được bằng tiền lương của mình. Công chức là những người được học tập, đào tạo, có trình độ chuyên môn nghề nghiệp, là những cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các tập thể nhân dân. Bảo đảm cho công chức có mức sống bằng mức sống trung bình và cao hơn là công bằng xã hội, tạo cơ sở thực tế cho công chức toàn tâm toàn ý, trong sạch vì việc công. Đời sống công chức khá giả còn là động lực cho lớp trẻ phấn đấu cống hiến cho cách mạng.
Những vấn đề trên cần làm mạnh mẽ, quyết liệt để trong sạch bộ máy công quyền, kết toàn đảng, toàn dân ta thành một khối, vô hiệu hóa mọi tác động tiêu cực.
Xuân Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét