Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Kinh tế Việt Nam: Thành tựu và kỳ vọng



Đã 37 năm trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, đất nước ta bước vào một giai đoạn lịch sử mới với nhiều đổi thay trên mọi bình diện của cuộc sống. Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể không tự hào khi nhận rõ những nỗ lực phi thường trong hành trình vượt khó của cả dân tộc.
Hành trình vượt khó
Sau 37 năm giải phóng, nhất là trong 26  năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế-xã hội của Việt Nam luôn trên đà phát triển. Điều này càng tiếp thêm niềm tin, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới trong xu thế hội nhập.
Không chỉ phát triển mạnh, Việt Nam còn vững bước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (2008-2009), tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao và ổn định trong nhiều năm liền (trên 7%/năm), thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng, hiện đạt 1.200 USD (gần gấp 3 lần so với trước).
Từ một nước phải nhập khẩu gạo, đến nay Việt Nam nằm trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hồ tiêu, cà phê, cá tra...
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam còn thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp với hơn 170 nước, mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng bước khẳng định được vai trò, vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế: Bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, trở thành thành viên thứ 150 của WTO (năm 2006), Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (2008 - 2009), hoàn thành tốt vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN (năm 2010)…
Năm 2011 là năm nền kinh tế thế giới chao đảo với khủng hoảng tài chính, nợ công… đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương ở mức 5,8%. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường nhưng xuất khẩu 2011 đã gặt hái được thành tựu ấn tượng nhất trong trong vòng 10 năm qua, đạt 96,3 tỷ USD, vượt xa các con số dự đoán trước đây mà cơ quan thống kê nói tới.
Với kim ngạch này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lên tới 33,3%, tương đương 24 tỷ USD.  Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau năm 1995 - năm kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ hội nhập mạnh với nền kinh tế thế giới.
Hóa giải thách thức
Lạm phát trong ở mức cao (18,13% năm 2011) đang là thách thức lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội. Đứng trước những thách thức trong việc kéo lạm phát tiêu dùng năm 2012 xuống mức bằng khoảng 50% so với thực hiện năm 2011, các chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát của Việt Nam đang bị chi phối bởi chính các đặc điểm nội tại của nền kinh tế, như khả năng cạnh tranh kém, chất lượng tăng trưởng không bền vững, cơ cấu đầu tư kém hiệu quả và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong nhiều năm.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm nay và khắc phục những bất cập nêu trên, nền kinh tế nước ta buộc phải thực hiện quyết liệt tái cấu trúc mới mong kiểm soát lạm phát. Theo đó, tín dụng chỉ nên tăng trưởng ở mức từ 10-15% và quan trọng hơn, việc phân bổ tín dụng cần tập trung vào những ngành lĩnh vực như nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu để tăng trưởng GDP.
Hơn lúc nào hết lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung đầu tư không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực, bình ổn giá cả mà còn hỗ trợ mục tiêu an sinh xã hội, tạo thêm việc làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn bởi khu vực này cho đến nay vẫn chiếm tới gần 80% dân số.
Đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thành quả của công cuộc đổi mới đã tạo đà để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra.
Chúng ta kỳ vọng có thêm niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới để từng bước vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế cất cánh trong những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân.
NGUYỄN HỒNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét