Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Sự “sốt sắng” có chủ ý


Phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử Cù Huy Hà Vũ về tội "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" đã khép lại chiều 4/4/2011 với mức án 7 năm tù giam và quản chế tại địa phương nơi bị cáo cư trú 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Sự kiện này đã được một số hãng tin và đài, báo phương Tây cũng như nhiều trang mạng ở hải ngoại "sốt sắng" đưa tin và bình luận. Thậm chí họ còn đưa tin và bình luận khá ồn ã, ngay cả khi phiên tòa chưa diễn ra.
Sẽ là bình thường nếu họ đưa tin và bình luận một cách khách quan.
Tuy nhiên, thông tin của họ lại theo chiều hướng tâng bốc, cổ xúy cho những hoạt động của Cù Huy Hà Vũ, mà thực chất là cổ xúy cho những hoạt động chống Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Vì mục đích gì mà Đài RFA lại đưa một loạt tin đại loại như:  "Giáo dân Thái Hà cầu nguyện cho TS Cù Huy Hà Vũ", "Thêm nhiều tiếng nói can thiệp cho TS Cù Huy Hà Vũ", "Bản kiến nghị thả ông Cù Huy Hà Vũ" v.v... và v.v...?
Hai ngày trước khi diễn ra phiên tòa, RFA còn dẫn lời ông Phil Robertson, Phó giám đốc Tổ chức "Human Rights Watch", phụ trách khu vực châu Á, lên tiếng ca ngợi "lòng can đảm chính trị" của Cù Huy Hà Vũ và đòi trả tự do cho Vũ.
Cùng ngày, báo Mỹ "The New York Times", theo trích thuật của Đài BBC, đã khẳng định vụ bắt giữ  Cù Huy Hà Vũ  "có thể là một phần của động thái thắt chặt các kiểm soát trong suốt năm 2010 tới nay đối với tự do ngôn luận và thể hiện chính kiến".
Thực tế, người ta không lạ trước những luận điệu kể trên.
Cứ mỗi lần ở Việt Nam xảy ra việc bắt giữ và xét xử những người bị truy tố về tội tuyên truyền chống Nhà nước hoặc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trên một số kênh thông tin phương Tây và nhiều trang mạng ở hải ngoại lại xuất hiện la liệt những thông tin vu cáo Việt Nam "vi phạm nhân quyền", "vi phạm quyền tự do ngôn luận", "vi phạm quyền tự do bày tỏ" hoặc "đàn áp các nhà bất đồng chính kiến" v.v... và v.v...
Những thông tin như vậy, bề ngoài là lên tiếng bênh vực cho "nhân quyền" và các quyền "tự do" theo quan điểm của phương Tây, nhưng thực chất là nhằm cổ vũ các hoạt động chống Đảng và Nhà nước Việt Nam với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Thực tế,  những phần tử như Cù Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân… đã bị lợi dụng cho mục đích tuyên truyền.
Người ta "sốt sắng" lên tiếng tâng bốc "bản lĩnh" hay "lòng can đảm" của những phần tử này chỉ là nhằm góp phần thực hiện một mưu đồ chính trị.
Đó là sự "sốt sắng" có chủ ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét