Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Bài 3: Bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của Nhà nước ta



QĐND - Quyền con người đến với dân tộc ta không giống như các nước tư bản chủ nghĩa. Đó không phải là thành quả của cách mạng dân chủ tư sản, mà là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Ở các nước tư bản phát triển, như Anh, Mỹ, Pháp, quyền con người là thành quả của cách mạng dân chủ tư sản, lật đổ chế độ phong kiến, xã hội thần dân từ thế kỷ XVII, XVIII. Ở Việt Nam, trong hơn 80 năm áp đặt chế độ thống trị, thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ phong kiến thối nát đồng thời thiết lập chế độ thực dân phong kiến tàn bạo; dân tộc Việt Nam không có Hiến pháp, không có quyền công dân, quyền con người. "Thành tựu" nhân quyền mà chủ nghĩa thực dân, phát-xít đã đem lại cho dân tộc Việt Nam là sự kiện hơn 2 triệu người ở Bắc Bộ đã chết đói vào năm 1945 (chiếm gần 1/10 dân số lúc đó). Đây là một bằng chứng lịch sử không ai có thể phủ nhận được. 30 năm (1945-1975) sau khi nhân dân ta giành được độc lập, các thế lực thực dân, đế quốc lại tiếp tục thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược mang tính diệt chủng, tiếp tục chà đạp dã man lên quyền sống còn của nhân dân ta. Cho đến nay những bằng chứng lịch sử, những nhân chứng sống-hàng triệu nạn nhân chất độc da cam vẫn còn đó.
Ở Việt Nam, từ sau khi Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo - giành được thắng lợi vào năm 1945, các quyền con người và quyền tự do cơ bản của nhân dân Việt Nam đã được trân trọng ghi trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới - Hiến pháp 1946. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Thế là sau 150 năm, ở những nước tư bản tiên tiến tuyên bố bảo vệ quyền con người thì nhân dân ta mới giành lại được các quyền đó.


Lịch sử cho thấy, đối với các dân tộc thuộc địa nói chung, Việt Nam nói riêng, quyền con người là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc, nằm trong quyền dân tộc tự quyết. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước là tiền đề, là điều kiện tiên quyết của quyền con người. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra đời trước khi tổ chức Liên hợp quốc chính thức ra đời và trước khi cộng đồng quốc tế thông qua Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1948) cùng với thực tiễn Cách mạng Việt Nam không chỉ có giá trị đối với dân tộc ta mà còn là đóng góp quan trọng vào tư tưởng-lý luận nhân quyền của nhân loại.
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người như đã nói ở trên đều xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, từ bản chất của chế độ ta. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ sức ép nào đó của cộng đồng quốc tế hoặc của các lực lượng chính trị đối lập trong và ngoài nước.
Những thành tựu bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta, không chỉ thể hiện trong quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn được thể hiện trong thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật và trong đời sống thường nhật.
Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20 tháng 9 năm 1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế, như “Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957), “Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957)… Trước khi Đổi mới, vào các năm 1981, 1982, Việt Nam đã gia nhập nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có 2 công ước cơ bản là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”, năm 1966. (1)
Các Cương lĩnh 1991 và 2011 của Đảng ta đều khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đồng thời đã nội luật hóa những công ước đó trong hệ thống pháp luật Quốc gia. Điều 50, Hiến pháp 1992 đã trân trọng ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Cho đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Mặc dù vẫn còn những điều không được như mong muốn, song có thể nói, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn trong thực tế.
Nhằm bảo đảm quyền của người dân đồng thời phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng việc xây dựng các thể chế Quốc gia phù hợp với đặc thù dân tộc. Trong đó có nguyên tắc các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ngày càng được nâng cao. Văn kiện Đại hội XI, năm 2011 tái khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trên. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Trong các kỳ họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn công khai, được truyền hình trực tiếp những vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm.
Quyền làm chủ trực tiếp của người dân cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Từ một Chỉ thị của Đảng (Chỉ thị Số 30-CT/TW, ngày 18 tháng 2 năm 1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở), với nhiều yêu cầu, đặc biệt là: Quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội của người dân ở các cơ sở.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành các quy định cơ quan Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Cho đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 850 ấn phẩm; 68 đài phát thanh, truyền hình trung ương và tỉnh, thành phố, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử và bloger… Người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN… Hội Nhà báo có hơn 15.000 thành viên. Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Không như những luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Thực tế cho thấy, báo chí Việt Nam ngày nay không chỉ có tự do mà còn có những đóng góp lớn trong việc phát hiện tham nhũng, thoái hóa của cán bộ, công chức, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở… góp phần xây dựng xã hội lành mạnh.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển… tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… giúp đỡ mọi thành viên xã hội nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…” (2). Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan nhà nước và công dân, nhiều Bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người; Dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm Quốc gia, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Có thể dẫn ra những luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân 1989, Luật Giáo dục 1998, Luật Đất đai 2003, Luật Bảo hiểm xã hội 2006, Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Bình đẳng giới 2011... (3)
Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Chiến lược và Chương trình phát triển kinh tế xã hội được triển khai, mức sống của người dân đã có những thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 1990 khoảng 200USD, đến 2010 ước khoảng 1.200USD. Đến nay, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc hưởng thụ thành tựu phát triển, Nhà nước đã có nhiều chương trình kinh tế xã hội hướng vào nâng cao đời sống của người dân ở niền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô-la. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể. Với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa phương… đến hết năm 2010, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 62 huyện nghèo với 73.418 căn nhà, đạt 94,58% kế hoạch. Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên.
(Còn nữa)
(1) - Viện nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, 2002. tr650.
(2) - Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, HN, 2011. tr43.
(3) - Bộ Ngoại giao, Báo cáo Quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người, tháng 5-2009.
Lệ Chi
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét