Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Không có chuyện kỳ thị dân tộc ở Việt Nam



QĐND - Kỳ thị thường gắn liền với phân biệt đối xử. Kỳ thị, phân biệt đối xử là một khái niệm giao thoa giữa chính trị - văn hóa và xã hội. Kỳ thị dân tộc, chủng tộc là sự nhìn nhận, đánh giá làm giảm giá trị đối với một một dân tộc, một chủng tộc từ một quan niệm chính trị, văn hóa hoặc xã hội nào đó. Những đặc điểm gây ra kỳ thị thường rất đa dạng, ví dụ như do: Màu da, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ hoặc những khác biệt nào đó về các nhu cầu, sở thích... Trong thực tiễn chính trị, kỳ thị thường được thể hiện trong chính sách, pháp luật nhằm loại trừ, phân biệt đối xử giữa các dân tộc... Ở một quốc gia, đối lập với kỳ thị, phân biệt đối xử về dân tộc, chủng tộc là bình đẳng về quyền và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực đối với các dân tộc, chủng tộc. 
Về mặt lịch sử, kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc, chủng tộc, là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc. Đó là sự nhìn nhận, đánh giá của giai cấp thống trị ở các nước đế quốc (còn gọi là “mẫu quốc”!) đối với các dân tộc thuộc địa. Theo đó, các “quan cai trị” và các dân tộc đi xâm lược tự xem mình là dân tộc thượng đẳng, là dân tộc có “sứ mệnh khai hóa văn minh” cho các dân tộc khác. Ngược lại, theo họ các dân tộc thuộc địa là dân tộc hạ đẳng, là man di, mọi rợ, nô lệ. Chủ nghĩa phát xít là một biểu hiện cực đoan của sự kỳ thị, phân biệt đối xử về dân tộc, chủng tộc. 
Ở Việt Nam, thực dân Pháp đã từng chia cắt nước ta thành ba miền (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) với những chính sách khác nhau trên các lĩnh vực chính trị, xã hội và cả kinh tế nhằm tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa ba miền để chia cắt vĩnh viễn. 
Thay chân thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai cũng từng thực hiện chiến lược chia cắt lâu dài hai miền: Nam, Bắc hòng tiến đến xóa bỏ chế độ xã hội XHCN và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thực dân xâm lược chưa bao giờ thực hiện được “lát cắt dân tộc”, dựa trên sự khác biệt giữa các dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh để chia cắt đất nước ta thành những quốc gia tự trị. Mặc dù cho đến nay các thế lực thù địch vẫn tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan trong các dân tộc thiểu số ở nước ta hòng làm rạn nứt, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và bạo loạn, lật đổ đưa dân tộc ta sang con đường TBCN lệ thuộc nước ngoài. 
Khi chủ nghĩa thực dân cũ và mới bị đánh đổ, tàn dư của tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử dân tộc, chủng tộc vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia, nhất là ở các nước TBCN. Trong chiến lược can thiệp, gây ảnh hưởng về chính trị, phá hoại chế độ XHCN và các quốc gia không đi theo cái gậy chỉ huy của chúng, CNĐQ và tay sai thường lợi dụng tàn dư tư tưởng kỳ thị dân tộc, chủng tộc làm thủ đoạn để phá hoại đoàn kết, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. 
Không được quên rằng, một trong những thủ đoạn chiến lược của CNĐQ dẫn đến làm tan rã Liên Xô, sụp đổ chế độ XHCN ở Đông Âu là chúng đã sử dụng thành công con bài chủ nghĩa dân tộc cực đoan để đòi quyền dân tộc tự quyết. Thực tế cho thấy CNĐQ không chỉ áp dụng kinh nghiệm này đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, như Trung Quốc trong vấn đề Tây Tạng, Nam Tư trong vấn đề Cô-xô-vô...
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề dân chủ và quyền con người, xuyên tạc, bôi nhọ đường lối chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta. Chúng vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách kỳ thị dân tộc. Chúng vu cáo Việt Nam thực hiện chính sách “xua đuổi, cướp đất” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên; không cho đồng bào Mông được thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo của mình; kỳ thị, phân biệt đối xử đối với đồng bào Khơ-me, Chăm... Những sự kiện bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, ở Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011 vừa qua là những ví dụ. Những đòi hỏi thành lập nhà nước tự trị, như nhà nước Đề-ga, nhà nước Mông, trong những năm qua thật ra chỉ là một thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn của các thế lực chống cộng trong và ngoài nước nhằm đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà thôi. Sự tồn tại một nhà nước tự trị trong lòng nước Việt Nam là điều chưa bao giờ tồn tại trong lịch sử dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với những đặc điểm riêng mà nhiều quốc gia khác không có. Hiện nay, cả nước có 54 dân tộc anh em. Dân số giữa các dân tộc rất khác nhau, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như Pu Péo, Rơ-măm, Brâu... trong đó, dân tộc Kinh là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân cư. Các dân tộc Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, địa bàn chiếm tới ¾ diện tích quốc gia. Khác với nhiều quốc gia đa dân tộc, các dân tộc thiểu số Việt Nam không có khu vực lãnh thổ riêng, sống xen kẽ với nhau. Trình độ phát triển về KT-XH của các dân tộc thiểu số thường thấp hơn, khó khăn hơn so với dân tộc Kinh. Đây là một vấn đề do địa bàn cư trú và do lịch sử để lại. 
Cương lĩnh của Đảng ta từ năm 1930 cho đến nay - Cương lĩnh do Đại hội Đảng năm 2011 thông qua đều nhất quán khẳng định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”[1]. Đồng thời Đảng ta cũng khẳng định rằng, một trong những bài học thành công của cách mạng Việt Nam trên một nửa thế kỷ qua là không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết không chỉ là truyền thống mà còn là nguồn sức mạnh đưa cuộc cách mạng của dân tộc ta đến những thành tựu to lớn. Các Hiến pháp của nước ta, từ Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 1992 cũng đều nhất quán khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống, và văn hóa tốt đẹp của mình.
Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số” (Điều 5, Chương I). 
Trong quan hệ với cộng đồng quốc tế, trước khi đổi mới, vào năm 1981 Việt Nam đã gia nhập “Công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc”, “ Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội ác A-pác-thai” và 2 công ước cơ bản về quyền con người, đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”[2]… Hai công ước này đều quy định các thành viên của công ước phải bảo đảm quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi thành viên bao gồm cả sự khác biệt về chủng tộc.
Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia lớn, dành ưu tiên cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được triển khai và đã đem lại thành quả to lớn. Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở; Chương trình 135 phát triển KT-XH cho các xã đặc biệt khó khăn, cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; Chương trình KT-XH thực hiện Nghị quyết 30a thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững cho 62 huyện nghèo trong toàn quốc, chủ yếu vẫn dành cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là những ví dụ. 
Chỉ tính riêng Chương trình 135, sau 12 năm thực hiện (1999 - 2010), đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là về cơ sở hạ tầng thiết yếu. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện Chương trình này (giai đoạn 2, 2006 - 2010), được triển khai tại 1.848 xã thuộc 50 tỉnh. Ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô la. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm…; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2,2 triệu hộ; đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 460.000 cán bộ xã, thôn bản và hỗ trợ kinh phí cho gần 930.000 lượt học sinh con em các hộ nghèo... giảm tỷ lệ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn từ 47,5% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. 
Hệ thống y tế, giáo dục quốc gia đã được thiết lập tới các xã. 100% số xã ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế, trường tiểu học. Mô hình “y tế quân - dân y” với ba hình thức: Khám bệnh, cấp thuốc cho người nghèo tại khu vực đóng quân; hỗ trợ trạm y tế xã thuốc, dụng cụ y tế và tổ chức các đợt hành quân về cội nguồn, căn cứ kháng chiến cũ để khám, chữa bệnh cho người dân, bắt nguồn từ thực tiễn sinh hoạt của lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay đã được hơn 20 năm (1990-2012) và thu được những kết quả thiết thực. 
Trên lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã ban hành quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Cho đến năm học 2010-2011, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được triển khai ở gần 7.010 trường. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, có sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Đặc biệt, Nhà nước đã xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú. Hiện có 50 trường tỉnh, gần 300 trường huyện với hàng vạn con em đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước nuôi, dạy hoàn toàn miễn phí. Có thể nói đây là một cố gắng lớn đối với một quốc gia còn nghèo, là một chính sách hiếm có trên thế giới. 
Cho đến nay mạng lưới điện và dịch vụ bưu chính - viễn thông đã đến 100% số huyện và 95% số xã. Các chương trình phát thanh, đã phủ sóng hơn 90% và truyền hình đã phủ sóng gần 80% lãnh thổ quốc gia. Đài truyền hình và phát thanh trung ương và nhiều đài địa phương đã có chương trình phát bằng tiếng dân tộc thiểu số…
Bản sắc văn hóa Việt Nam, bao gồm văn hóa của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước có chính sách giữ gìn tôn tạo và phát triển. Theo đề nghị của Chính phủ, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, di sản văn hóa vô giá của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới… Có thể nói, sức hấp dẫn, niềm tự hào của người Việt Nam là đã có một nền văn hóa quốc gia đa dạng, phát triển rực rỡ, bao gồm văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Không phủ nhận rằng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn thiếu thốn; trình độ phát triển về KT-XH của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân lịch sử, xã hội và điều kiện tự nhiên. Hiện nay, ở một số dân tộc thiểu số vẫn còn không ít phong tục tập quán lạc hậu… 
Trình độ dân trí thấp, nhiều dân tộc cư trú trên địa bàn có điều kiện địa lý hết sức khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, giá rét, cư trú tản mát, địa bàn rộng lớn, thiếu đường giao thông, thiếu trường học, thiếu bệnh viện. Có nơi các em học tiểu học phải đi hàng chục cây số mới tới trường. Có trường hợp vì bệnh viện xa nên không kịp cứu sống người bệnh. Tập quán sống du canh, du cư vẫn còn tồn tại dẫn đến nạn phá rừng làm nương đã gây ra nạn cháy rừng gây tổng thiệt hại lớn cho Nhà nước và cho chính cuộc sống của đồng bào… Giải quyết những khó khăn này không thể trong một sớm, một chiều. 
Một trong những biện pháp mới được đề xuất và triển khai, đó là tăng cường nguồn cán bộ có trình độ văn hóa cao về giúp đồng bào. Theo sáng kiến của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ, một đề án đưa 600 trí thức trẻ về đảm nhận chức vụ phó chủ tịch UBND ở các xã nghèo (thuộc Chương trình 30a) đã bắt đầu được triển khai. Đến nay, đã có 224 trí thức trẻ được giới thiệu bầu và trúng cử giữ chức danh phó chủ tịch UBND xã. 
Như vậy là Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoàn toàn không có lý do gì, lợi ích gì để thực hiện chính sách kỳ thị dân tộc. Vì kỳ thị và phân biệt đối xử không đem lại lợi ích gì, trái lại chỉ làm tổn thương đến chế độ xã hội, đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Bởi vậy có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam không có chuyện kỳ thị dân tộc, chủng tộc./.
Tiến sĩ Cao Đức Thái
[1]- ĐẢNG CỘNG SẢN VIÊT NAM, Văn kiện Đại hội XI Nxb CTQG. HN, năm 2011. Tr 70
[2] -Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh "Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người” HN, 2002, 651

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét