Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

“Mạch Ngầm” tự diễn biến


 QĐND - 20 năm sau “cuộc chính biến” dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết, sự kiện mà Thủ tướng LB Nga V. Pu-tin gọi là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20”, người ta vẫn tiếp tục đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao một đảng từng làm nên “Mười ngày rung chuyển thế giới”, một đất nước từng làm nên chiến thắng vĩ đại cứu cả loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít Đức lại sụp đổ nhanh chóng đến mức ngay kẻ thù cũng phải bất ngờ.
Có một thực tế không thể phủ nhận là sau 7 thập kỷ phát triển, mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp ở Liên Xô đã cạn kiệt khả năng phát triển theo chiều rộng. Sự trì trệ, giáo điều, thói quen hành động trong những khuôn mẫu xơ cứng đã giết chết nhiệt huyết và tư duy sáng tạo, làm tích tụ dần những điểm yếu chí tử. Từ một nền kinh tế phát triển với những đỉnh cao về khoa học - kỹ thuật làm cả thế giới khâm phục, Liên Xô lâm vào tình trạng trì trệ, tham nhũng tràn lan, đời sống nhân dân khó khăn. “Miệng vực” sụp đổ cứ lớn dần.
Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô không đơn thuần là cái chết về kinh tế. Nó là hệ quả của hàng loạt những tác động mà một trong những yếu tố quyết định là quá trình tự diễn biến đã đưa những người lãnh đạo Liên Xô từng bước xa rời, tiến tới từ bỏ, rồi phản bội chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Từ những tuyên bố ban đầu “cải tổ để có nhiều dân chủ hơn, nhiều CNXH hơn”, “chúng ta sẽ đi tới CNXH tốt đẹp hơn chứ không đi ra ngoài nó”, “chúng ta tìm trong khuôn khổ của CNXH chứ không phải ở ngoài giới hạn của nó”, đến những khẩu hiệu hào nhoáng “cải tổ”, “công khai hóa”, là quá trình tự diễn biến trong tư duy và hành động theo hướng từng bước xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, kết thúc bằng sự phản bội công khai lý luận cơ bản đã tạo dựng nên nền móng “tòa nhà” Liên bang Xô-viết.
Bằng phát súng lệnh “công khai”, “dân chủ”, “không vùng cấm”, cải tổ đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phê phán, công kích, bôi đen tất cả những gì gắn với lịch sử 70 năm xây dựng CNXH, phủ định sạch trơn mọi thành tựu của CNXH. Toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng phục vụ chính quyền Xô-viết bỗng biến thành công cụ phục vụ cho chiến dịch tuyên truyền, đào bới, phủ định quá khứ.
Khi “con đê” công tác tư tưởng và ý thức hệ của Đảng Cộng sản Liên Xô bị phá vỡ, thì cũng là lúc sự tự chuyển hóa diễn ra ồ ạt, xói mòn từng bước lý tưởng, ý chí của các đảng viên; phá vỡ niềm tin của quần chúng đối với những giá trị của CNXH. Đối với một đảng cầm quyền, công tác tư tưởng chính là xây dựng lý tưởng, tạo dựng ý chí và niềm tin, là “kèn lệnh” liên kết lòng đảng, quy tụ lòng dân, gắn kết đảng với dân. Khi “kèn lệnh” đó bị tước đoạt, lý tưởng và ý chí sẽ sụp đổ, đảng sẽ không thể tồn tại.
Nguy hại hơn, quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” này lại được thúc đẩy âm thầm dưới lực tác động khéo léo từ bên ngoài thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” vừa tinh vi, vừa trắng trợn. Với sự trợ giúp của đường lối sai lầm và phản bội, chiến lược của phương Tây “đưa bất ổn vào bên trong bức màn sắt” nhanh chóng trở thành hiện thực.
Vào thời điểm khi “cải tổ” đang ở cao trào, cũng từng xuất hiện những lời cảnh báo dũng cảm. Tháng 3-1988, báo Nước Nga Xô-viết đăng bức thư của bà N. An-đrây-ép-va, giáo viên Học viện Khoa học kỹ thuật Lê-nin-grát với tiêu đề “Tôi không thể vứt bỏ nguyên tắc”. Với tâm huyết của một người cộng sản, bà chỉ thẳng ra rằng “cái gọi là trào lưu suy ngẫm lại lịch sử nổi lên trong xã hội thực ra là dòng nước ngược, là chủ trương Tây hóa cả gói”. Nhưng trong tâm lý xã hội đang tràn đầy phấn khích và hy vọng bởi những viễn cảnh hào nhoáng của cải tổ, lời cảnh báo đó nhanh chóng bị nhấn chìm.
Cho đến hôm nay, trong hồ sơ của trung ương hay của địa phương dưới thời Liên Xô đều không có bất kỳ ghi chép nào cho thấy thế lực thù địch xóa bỏ Đảng Cộng sản đã gặp phải sự chống đối từ phía tổ chức Đảng các cấp, không có bằng chứng gì cho thấy các đảng viên đã tập hợp lại một cách có tổ chức để tiến hành các hoạt động phản đối quy mô lớn nhằm bảo vệ khu ủy, thành ủy hoặc huyện ủy của mình. Chỉ có 35 nghìn đảng viên, đảng Bôn-sê-vích đã làm nên Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại; với 5,5 triệu đảng viên, Đảng Cộng sản Liên Xô đã lãnh đạo nhân dân đánh bại phát-xít Đức. Vậy mà khi có gần 20 triệu đảng viên, với lực lượng vũ trang hùng mạnh trong tay, Đảng này lại mất địa vị cầm quyền mà không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay một biến cố tự nhiên đặc biệt nào.
Sự thật nghiệt ngã đó là lời cảnh báo cho thấy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra dưới “ngọn cờ cải tổ” đã tạo những mạch ngầm nguy hiểm, âm thầm xói mòn nền móng của “tòa lâu đài” Liên bang Xô-viết, khiến nó sụp đổ trong chớp mắt.
20 năm sau bi kịch Liên Xô sụp đổ là khoảng thời gian đủ để chúng ta suy ngẫm và rút ra bài học sâu sắc về một vấn đề có tính quy luật trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là phải chủ động ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Phải thấy rằng quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chịu sự tác động và chi phối của cả nhân tố khách quan và chủ quan, nhưng nhân tố chủ quan vẫn là quyết định. Thường thì khi khó khăn, thử thách xuất hiện, là lúc tư tưởng dễ dao động, tâm lý hoang mang, mất phương hướng dễ nảy sinh trong một số cán bộ, đảng viên do sự hạn chế về nhận thức, tạo cơ hội cho kẻ địch lợi dụng. Đó cũng là lúc nguy cơ giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng có cơ hội ngóc đầu dậy trong số những kẻ cơ hội, thực dụng.
Chính vì thế, công tác tư tưởng luôn là vấn đề có ý nghĩa sống còn với việc bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ, góp phần giải đáp thắc mắc của người dân, củng cố niềm tin vào con đường chúng ta đang đi. Trong bối cảnh CNXH lâm vào thoái trào, đây là một thử thách. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, công việc đầy khó khăn này lại được hậu thuẫn vững chắc cả về lý luận và thực tế là thành tựu không thể phủ nhận của thực tiễn 25 năm đổi mới; là sự ổn định chính trị - xã hội của Việt Nam, một lợi thế, một tài sản vô giá mà nhiều nước đang mơ ước, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động và dễ bị tổn thương với không ít quốc gia đang chìm đắm trong cơn binh lửa.
Công cuộc đổi mới, sự nghiệp mà dư luận thế giới coi là một trong những ví dụ thành công nhất về chuyển đổi kinh tế trong lịch sử đương đại, là bằng chứng thuyết phục cho thấy CNXH vẫn đầy sức sống nếu các đảng cộng sản biết tự đổi mới. Nó là cơ sở để chúng ta khẳng định rằng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin chính là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, từ đó mà tạo dựng niềm tin vào lý tưởng cộng sản, vào sự đúng đắn của con đường XHCN mà chúng ta lựa chọn, nâng cao sức đề kháng chống lại nguy cơ “tự diễn biến”.
Sức mạnh của đảng là sự đồng tâm nhất trí trong nội bộ đảng, là sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân. Quá khứ cho thấy trong giờ phút nguy cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô, khi các thế lực thù địch tuyên bố giải tán Đảng, lật đổ chế độ XHCN, vì bị chia rẽ, cả một khối liên kết khổng lồ hàng chục triệu đảng viên đã tê liệt; vì mất phương hướng, mất niềm tin, quần chúng cũng không đứng lên bảo vệ Đảng, bảo vệ CNXH.
Thực tế đó là lời cảnh báo rằng, xa dân là mầm mống dẫn tới nguy cơ mất Đảng, mất chế độ. Nó đặt ra yêu cầu phải thường xuyên củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với dân. Hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường mà chúng ta đang phải đối mặt đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền thoái hóa về phẩm chất, đạo đức lối sống, vì lợi ích cá nhân mà để cám dỗ vật chất làm “hoa mắt”. Chính sự thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, cùng tệ quan liêu, tham nhũng đang làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào bản chất ưu việt của chế độ ta.
Ngăn chặn việc đó không có cách nào khác là phải thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình trong nội bộ đảng; xây dựng niềm tin của người dân trước hết bằng việc nêu gương của các đảng viên. Phải biết lắng nghe ý kiến của dân bởi không gì có thể lọt khỏi tai, mắt của dân, phải tạo điều kiện để người dân tham gia giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng. Những biện pháp như quy định đảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về sinh hoạt tại khu dân cư nơi cư trú, quy định về kê khai tài sản… là những công cụ quan trọng giúp giám sát hành vi và việc làm của từng đảng viên, cán bộ, ngăn không để đảng viên biến thành “quan cách mạng”, thành “quan cai trị” với người dân.
Nếu biết nhìn nhận khách quan và khoa học, sự sụp đổ của Liên Xô -  một bi kịch lịch sử lại có thể cho ta những bài học quý giá để chúng ta vững bước trên con đường đi tới tương lai.
Tường Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét