Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

“Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” với cách mạng Việt Nam


Trong thế kỷ XX, sự ra đời của Liên hợp quốc năm 1945, đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ quốc tế. Mặc dù vẫn còn có sự khác biệt và mâu thuẫn về hệ tư tưởng, chính trị, kinh tế, song từ đó các quốc gia, dân tộc đã có thể giải quyết các bất đồng và hợp tác với nhau  dựa trên nguyên tắc: Bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Cũng trong sự kiện lịch sử này, quyền con người (QCN) được xem là một mục tiêu, một trụ cột của Hiến chương và hoạt động của Liên hợp quốc hơn 60 năm qua.
Gắn liền với mục tiêu bảo vệ hòa bình, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (TNTGVQCN) còn khẳng định những tư tưởng chính trị quan trọng cả về mặt triết lý và thực tiễn như “khát vọng thoát khỏi nỗi sợ hãi vì đói nghèo”; “QCN phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”; “Các quốc gia thành viên tự cam kết... thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ QCN”[2]...
Thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, sau hai năm soạn thảo, Bản TNTGVQCN [3] đã hoàn thành và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Để ghi nhớ ý nghĩa, tầm quan trọng của bản TNTGVQCN, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 10 tháng 12 - ngày Liên hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn này làm Ngày Nhân quyền thế giới.
Đối với Cách mạng Việt Nam, QCN được xem là bản chất của chế độ xã hội, là mục tiêu của cách mạng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và đã trở thành cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật  Nhà nước xuyên suốt các giai đoạn cách mạng, từ khi dân tộc ta giành được độc lập đến nay.  
Trên thế giới ngày nay vẫn đang tồn tại những thế lực cường quyền sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc, nhất là đối với các nước đi theo con đường XHCN. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ... song điều đó không làm mất đi ý nghĩa và tầm quan trọng của bản TNTGVQCN.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền ra đời không phải là một sự ngẫu nhiên, cũng không phải là phát kiến của cá nhân, mà là một nỗ lực chung của các dân tộc, trong đó có Liên Xô trước đây, các nước XHCN Đông Âu, sau cuộc chiến tranh chống phát xít, hướng tới mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Bản TNTGVQCN hình thành từ những tiền đề tư tưởng trước đó song quan trọng hơn nó đã phản ánh nhận thức chính trị của cộng đồng quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Các sự kiện trực tiếp dẫn đến sự ra đời của Tuyên ngôn, đó là những hậu quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945) và sự ra đời của Liên hợp quốc.
Chiến tranh Thế giới thứ hai đã lôi cuốn hàng chục quốc gia, với hơn một tỷ người ở khắp các châu lục: Âu, Á, Phi, Úc, Mỹ vào thảm kịch này. Chiến tranh đã cướp đi gần 50 triệu sinh mạng. Ở nước ta, do chính sách tàn bạo phá lúa trồng đay phục vụ chiến tranh của phát xít Nhật và sự bóc lột dã man của thực dân Pháp, nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử đã diễn ra, làm chết hơn 2 triệu người ở Bắc Bộ, gần bằng 1/10 dân số Việt Nam lúc đó.
Cuộc chiến tranh này một mặt đã làm bộc lộ bản chất của chủ nghĩa đế quốc ở hình thức cực đoan của nó là chủ nghĩa phát xít, mặt khác đã phơi bày những học thuyết phi nhân tính, đặc biệt là học thuyết phân biệt chủng tộc. Dựa trên học thuyết "Đác-uyn - xã hội", chủ nghĩa phát xít cho rằng, cũng giống như trong tự nhiên, xã hội cũng tuân theo quy luật cạnh tranh sinh tồn - kẻ mạnh có "quyền" tiêu diệt kẻ yếu, đó là một tất yếu trong sự phát triển của lịch sử. Học thuyết đó còn cho rằng, loài người chia làm hai loại: "Chủng tộc thượng đẳng" và "chủng tộc hạ đẳng". Chủng tộc thượng đẳng, siêu đẳng - ở đây chỉ dân tộc Giéc-manh (Đức), có "sứ mệnh” lãnh đạo, thống trị các chủng tộc khác. Lý luận dựa trên sự phân biệt chủng tộc đó đã được chủ nghĩa phát xít sử dụng để biện hộ cho những hành động dã man, diệt chủng chống nhân loại của chúng.
Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng đã làm thức tỉnh nhân loại rằng, nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và bảo vệ QCN, trước hết là quyền sống là một nhu cầu cấp bách của cả nhân loại. Dựa trên Tuyên ngôn này, Ủy ban Nhân quyền - cơ quan chuyên trách về nhân quyền và bộ luật quốc tế về QCN (bao gồm Tuyên ngôn và hai công ước: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế-xã hội và văn hóa, năm 1966) đã ra đời. Sau Tuyên ngôn và hai công ước nói trên, nhiều công ước chuyên biệt về quyền của phụ nữ, của trẻ em, về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng,... cho đến nay khoảng trên dưới 30 công ước và Nghị định thư về QCN đã được Liên hợp quốc đã thông qua. Cơ chế bảo vệ QCN của Liên hợp quốc ở hầu hết các châu lục đã hình thành. Như vậy có thể nói, dựa trên Tuyên ngôn, QCN từ chỗ là sự nhận thức chính trị, đạo đức đã trở thành cơ chế quốc tế bảo vệ QCN. Đây chính là ý nghĩa và tầm quan trọng lớn lao của bản TNTGVQCN.
Mặc dù còn những hạn chế bởi điều kiện lịch sử ra đời và những khác biệt bởi các quan điểm chính trị giữa các thành viên trong Ban soạn thảo, cũng như của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc lúc đó, song có thể nói những tư tưởng lớn của TNTGVQCN về Đạo đức, Chính trị và Pháp lý vẫn còn nguyên giá trị.
Về giá trị đạo đức, sự thừa nhận và tôn trọng phẩm giá vốn có (nhân phẩm) của tất cả mọi người là giá trị lớn nhất của Tuyên ngôn. Trong Lời nói đầu, bản Tuyên ngôn ghi: "Việc thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng, bất di bất dịch của mọi thành viên trong gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình trên thế giới”[4].
Khẳng định nhân phẩm hay phẩm giá vốn có của con người là một bước phát triển lớn lao của tư tưởng nhân loại. Bởi vì trước đó, thậm chí cho đến nay vẫn còn không ít người cho rằng con người là một sự “sáng tạo” của một đấng siêu nhiên nào đó. Nhân phẩm là giá trị nội tại, là giá trị tự thân của mỗi thành viên trong cộng đồng nhân loại. Giá trị đó không phụ thuộc vào hoàn cảnh của cá nhân, vào điều kiện của xã hội. Đó là giá trị được kết tinh trong lịch sử hình thành xã hội và sự phát triển của chính con người.
Về giá trị chính trị, không phủ nhận rằng từ thời điểm Liên hợp quốc  thông qua bản TNTGVQCN cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn đang tồn tại những mâu thuẫn, khác biệt về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Trong bối cảnh đó, Tuyên ngôn là công cụ chính trị quan trọng góp phần giải quyết những sự khác biệt và mâu thuẫn giữa các quốc gia, duy trì sự tồn tại của thế giới như một cộng đồng thống nhất. Cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để giải quyết những bất đồng về chính trị, đó là sự khẳng định mục tiêu bảo vệ nền hòa bình thế giới trên cơ sở tôn trọng nhân quyền. Tuyên ngôn đã lên án các hành vi "man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại". Điều đó cũng có nghĩa lên án chiến tranh xâm lược.
(Còn nữa)
TS Cao Đức Thái
-------------------------------
 [1] - Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
 [2] - Trung tâm Nghiên cứu QCN, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về QCN”, HN. 2002. Tr 28
 [3] - Trung tâm Nghiên cứu QCN, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về QCN”, HN. 2002. Tr 28
 [4] - Trung tâm nghiên cứu QCN, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về QCN”, HN. 2002. Tr 28

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét