Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

“Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” với cách mạng Việt Nam (kỳ 2)


(Tiếp theo và hết)
QĐND - Về giá trị pháp lý, mặc dù Tuyên ngôn là một tuyên bố chính trị nhưng cho đến nay các quốc gia, dân tộc vẫn xem văn kiện này như là luật tập quán quốc tế, được viện dẫn trong nhiều hiến pháp và pháp luật quốc gia.
Ý nghĩa pháp lý quan trọng nhất của Tuyên ngôn là ở chỗ: Văn kiện này là cơ sở chính trị trong việc hình thành tổ chức và các thủ tục giám sát quốc tế trên lĩnh vực quyền con người. Đồng thời với 29 Điều quy định trong Tuyên ngôn về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, Liên hợp quốc đã cho soạn thảo và thông qua hai công ước cơ bản - “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, “ Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”, năm 1966 và trên dưới 30 công ước nhân quyền chuyên biệt khác. Đây là nguồn cơ bản trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật quốc gia nhằm bảo về quyền công dân và quyền con người.
Đối với dân tộc ta, những tư tưởng nhân đạo, khoan dung, bảo vệ con người trong Tuyên ngôn không phải là xa lạ. Đó là một phần trong các giá trị truyền thống của nhân dân ta. Có thể xem tư tưởng “Thương người như thể thương thân” trong văn học dân gian; tư tưởng “Khoan sức dân” của Trần Quốc Tuấn, tư tưởng “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi  và nhiều quy định bảo vệ lợi ích của phụ nữ, trẻ em... trong Bộ luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông, năm 1449... là những minh chứng.
Từ giữa thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Mặc dù cuộc Cách mạng Dân chủ tư sản Pháp năm 1789 đã giương cao ngọn cờ Tự do, Bình đẳng, Bác ái, tôn trọng và bảo vệ QCN, song ở Việt Nam cũng như các thuộc địa khác, chủ nghĩa thực dân vẫn không hề chia sẻ những thành quả dân chủ, nhân quyền với các thuộc địa. Trái lại, chúng đã câu kết với bè lũ tay sai, duy trì chế độ phong kiến, vương quyền, tạo thành một chế độ lai tạp – thực dân – phong kiến tàn bạo, thối nát.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo giành được thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước CHXHCN Việt Nam được thành lập, Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được thông qua - đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta – kỷ nguyên  độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ở nước ta, đây là lần đầu tiên các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng và bảo vệ.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và Tuyên bố trước Quốc dân và nhân dân thế giới ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Người đã nhắc lại những tư tưởng bảo vệ QCN trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, năm 1776, trong bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Pháp, năm 1789 và nhấn mạnh: “Đó là những lời bất hủ” là “lẽ phải không ai chối cãi được”. Dựa trên những tư tưởng đó Người khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1]. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiền đề cho giải phóng con người, cho việc bảo đảm QCN ở các thuộc địa đã trở thành một đóng góp lý luận và thực tiễn có ý nghĩa thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Cách mạng Việt Nam đối với sự phát triển quyền con người của nhân loại trong thế kỷ XX.    
Trong hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, kéo dài 30 năm,  không lúc nào Đảng và Nhà nước ta không quan tâm đến xây dựng nhà nước, chính quyền của nhân dân và chăm lo cải thiện đời sống của người lao động.
Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là thời kỳ Đảng ta sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, nhận thức lại CNXH và con đường đi lên CNXH. Bản lĩnh của Đảng ta đã thể hiện rõ trong bước ngoặt lịch sử này. Đảng ta chủ trương chọn lọc - kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người. Tuy nhiên Đảng ta đã quán triệt nguyên tắc: Đổi mới phải dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giữ vững định hướng XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân. Việt Nam không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “dân chủ, công khai”, “đa nguyên, đa đảng” của cải tổ. Nhờ sự lãnh đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội, từng bước vươn lên đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt: Chính trị ổn định; kinh tế – tuy đang phải đối diện với khó khăn song vẫn giữ được tăng trưởng dương, Việt Nam vẫn là quốc gia có sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư; xã hội cởi mở, đoàn kết; giá trị văn hóa của các dân tộc đang được khôi phục và phát triển; quan hệ quốc tế rộng mở, vị thế của đất nước được nâng cao – Việt Nam đã từng là Ủy viên của Ủy ban Nhân quyền, nay là Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, từng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trên lĩnh vực quyền con người, thuật ngữ quyền con người không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp (1992), pháp luật mà đã được đưa vào Cương lĩnh của Đảng (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh 2011).
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Những quy định của pháp luật Việt Nam bao quát đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Không phủ nhận rằn,g hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về quyền con người, như sự phân hóa giàu nghèo; tình trạng quan liêu tham nhũng; tình trạng người dân không được hưởng các hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả… Tuy nhiên, với việc nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH - hoàn thiện nền Dân chủ XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng và phát huy vai trò của các Mặt trận Tổ Quốc, của các tổ chức đoàn thể xã hội, các quyền và tự do cơ bản của con người trên đất nước ta nhất định sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn./.
TS Cao Đức Thái
(Giảng viên cao cấp, Nguyên Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)
[1] - Hồ Chí Minh, Toàn tập 4, Nxb CTQG, HN, 1995, trang 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét